Bị nổi chấm đỏ trên chân – Nguyên nhân và cách điều trị
Tình trạng nổi chấm đỏ trên chân thường có liên quan đến một số tình trạng tiềm ẩn như dị ứng hoặc các bệnh viêm da. Tuy nhiên, trong một số trường hợp điều này có thể là dấu hiệu liên quan đến các bệnh lý tiềm ẩn khác.
Biểu hiện của của tình trạng nổi chấm đỏ trên chân
Các dấu hiệu và biểu hiện khi nổi chấm đỏ trên chân phụ thuộc vào nguyên nhân và bản chất của chấm đỏ đó. Tuy nhiên, có những chấm đỏ thường không gây ra bất cứ triệu chứng nào ngoại trừ việc gây khó chịu và mất thẩm mỹ. Bên cạnh đó cũng có những chấm đỏ rất ngứa, có thể đau hoặc dẫn đến các triệu chứng khó chịu khác.
Tùy thuộc vào nguyên nhân mà chấm đỏ có thể có biểu hiện khác nhau. Tuy nhiên, trong hầu hết các trường hợp nổi chấm đỏ trên chân thường có các biểu hiện bao gồm:
Các chấm đỏ trên chân có thể xuất hiện dưới dạng các chấm nhỏ hoặc có thể là các mảng lớn hơn
- Chấm đỏ có thể nổi sần trên da, có thể chứa đầy chất lỏng hoặc dịch
- Chấm đỏ thường có đường viền rõ ràng hoặc không rõ ràng so với vùng da xung quanh, trong một số trường hợp chấm đỏ có thể không có đường viền
- Một số chấm có thể chuyển sang màu tía, nâu hoặc vàng
- Có thể gây ảnh hưởng đến một vị trí nhất định hoặc xuất hiện trên khắp chân
Ngoài ra, trong một số trường hợp, việc nổi chấm đỏ trên chân có thể liên quan đến một số triệu chứng như:
- Ăn kém
- Buồn nôn hoặc nôn
- Đau đầu
- Sốt nhẹ hoặc nghiêm trọng
- Có thể gây đau chân cục bộ
- Xuất hiện các triệu chứng giống cúm như đau đầu, sốt, chảy nước mũi
- Các chấm đỏ có thể lây lan sang khu vực khác
- Gây kích ứng da và ngứa dữ dội khi tác động, kích thích hoặc gãi
Nguyên nhân và cách điều trị tình trạng nổi chấm đỏ trên chân
Có rất nhiều nguyên nhân có thể gây ra việc nổi chấm đỏ trên chân. Các vết sưng nhỏ có thể liên quan đến dị ứng, vết cắn của côn trùng và một số tình trạng da. Cụ thể các nguyên nhân phổ biến thường bao gồm:
1. Dày sừng nang lông
Trong trường hợp dày sừng nang lông, người bệnh có thể xuất hiện các nốt sưng nhỏ, màu đỏ trên da giống da gà hoặc da ngỗng. Tình trạng này thường ảnh hưởng đến các khu vực như cánh tay, đùi và bắp chân.
Bệnh dày sừng nang lông xảy ra khi lỗ chân lông bị tắc nghẽn bởi một loại protein được gọi là Keratin. Keratin được tìm thấy trong da, móng tay và tóc. Tình trạng gây ảnh hưởng đến 50% thanh thiếu niên và 40% người trưởng thành.
Trong một số trường hợp, người bệnh có thể bị dày sừng nang lông nếu mắc các bệnh về da khác như bệnh chàm – eczema hoặc có làn da quá khô.
Cách điều trị bệnh dày sừng nang lông:
Tình trạng dày sừng nang lông thường vô hại và không cần điều trị. Tuy nhiên, nếu cần thiết người bệnh có thể trao đổi với bác sĩ về các phương pháp điều trị bảo tồn như các loại kem bôi. Kem bôi không cần kê đơn thường có tác dụng tẩy tế bào chết và loại bỏ các tác nhân gây bệnh ngoài da.
Các sản phẩm phổ biến thường có chứa các thành phần như:
- Axit Salicylic
- Axit Alpha – Hydroxy (Aha)
Ngoài ra, người bệnh nên kết hợp dưỡng ẩm da để giúp da ngâm nước và cải thiện tình trạng bệnh. Trong các trường hợp nghiêm trọng, vui lòng trao đổi với bác sĩ về các phương pháp điều trị phù hợp hơn.
2. Viêm da cơ địa
Viêm da cơ địa có thể ảnh hưởng đến bất cứ bộ phận nào trong cơ thể bao gồm cả chân. Do đó, nếu người bệnh nổi chấm đỏ trên chân thành từng mảng kèm theo việc ngứa ngáy khó chịu, thì đây có thể là dấu hiệu của viêm da cơ địa.
Viêm da cơ địa (chàm thể tạng) là tình trạng phổ biến nhất trong các loại bệnh chàm. Bệnh khiến da chân trở nên khô, thô ráp, đóng vảy hoặc có thể phồng rộp và tiết ra một chất lỏng trong suốt.
Viêm da cơ địa thường có xu hướng tái phát và trở thành mãn tính. Các yếu tố có thể kích hoạt bệnh thường bao gồm:
- Sử dụng xà phòng và các chất tẩy rửa mạnh
- Tiếp xúc với nước hoa, mỹ phẩm, lông động vật
- Yếu tố có địa như dễ dị ứng, ra nhiều mồ hôi và cơ thể nóng
Biện pháp điều trị bệnh viêm da cơ địa ở chân:
Hiện tại không có thuốc cũng như biện pháp cụ thể để điều trị viêm da cơ địa. Tuy nhiên, người bệnh có thể sử dụng một số cách cải thiện tình trạng và hạn chế bệnh tái phát như:
- Thuốc kháng Histamine có thể cải thiện tình trạng ngứa và viêm.
- Thường xuyên dưỡng ẩm cho da bằng các loại thuốc mỡ và kem bôi không kê đơn.
- Dùng thuốc Corticosteroid thoa ngoài để cải thiện tình trạng da. Tuy nhiên, sử dụng Corticosteroid theo hướng dẫn của bác sĩ để tránh tác dụng phụ và rủi ro không mong muốn.
3. Viêm nang lông
Viêm nang lông thường có liên quan đến tình trạng nhiễm trùng các nang lông. Tình trạng này thường được gây ra bởi vi khuẩn tụ cầu (Staphylococcus Aureus). Tuy nhiên, đôi khi bệnh cũng có liên quan đến việc lông mọc ngược, virus hoặc một số loại nấm. Tình trạng này có thể ảnh hưởng đến bất cứ vị trí nào trong cơ thể, bao gồm cả chân.
Các nguyên nhân phổ biến thường là do cạo lông chân, quần áo bó sát hoặc do ảnh hưởng của nhiệt độ cao và ma sát. Tuy nhiên, một số người thường có nguy cơ viêm nang lông cao nếu:
- Có hệ thống miễn dịch suy yếu, chẳng hạn như mắc bệnh tiểu đường, HIV / AIDS hoặc các bệnh lý khác
- Dùng thuốc kháng sinh trong thời gian dài
- Có các tình trạng da khác như mụn trứng cá, bệnh chàm ở chân
- Lông xoăn hoặc dễ mọc ngược
- Thường xuyên tắm bồn nước nóng mà không được vệ sinh, bảo trì thường xuyên
Viêm nang lông có thể gây khó chịu nhưng không nghiêm trọng trừ khi vùng da bệnh bị nhiễm trùng. Nhiễm trùng nặng có thể gây mụn nhọt và viêm mô tế bào.
Biện pháp điều trị viêm nang lông:
Viêm nang lông ở chân thường không cần điều trị. Các triệu chứng có thể tự khỏi trong 10 ngày. Tuy nhiên, nếu tình trạng này kéo dài hoặc có dấu hiệu nhiễm trùng, người bệnh nên đến bệnh viện gặp bác sĩ. Trong một số trường hợp bác sĩ có thể kê các loại kháng sinh dạng kem hoặc dùng uống để cải thiện các dấu hiệu bệnh.
4. Mề đay mẩn ngứa ở chân
Có khoảng 20% dân số xuất hiện các dấu hiệu nổi mề đay trong đời. Mề đay có thể xuất hiện ở bất cứ vị trí nào trong cơ thể, bao gồm cả chân.
Các nguyên nhân phổ biến gây mề đay ở chân thường bao gồm:
- Dị ứng (thực phẩm, phấn hoa, lông thú, côn trùng, nhựa cao su,…)
- Mề đay do thay đổi thời tiết
- Ảnh hưởng của một số bệnh lý (cảm lạnh, viêm xoang, viêm họng liên cầu khuẩn, bệnh gan hoặc một số bệnh tự miễn)
Trong một số trường hợp nghiêm trọng, mề đay ở chân có thể đi cùng các phản ứng dị ứng toàn thân. Tình trạng này có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh. Do đó, đến bệnh viện ngay khi nhận thấy các triệu chứng như:
- Khó thở
- Ho
- Khò khè
- Chóng mặt
- Buồn nôn hoặc nôn
- Sưng mặt, môi hoặc lưỡi
Biện pháp điều trị mề đay ở chân:
Thông thường mề đay có thể tự cải thiện mà không cần điều trị, trừ các trường hợp dị ứng. Thuốc kháng Histamine là loại thuốc được sử dụng phổ biến nhất để điều trị mề đay. Các loại thuốc phổ biến bao gồm:
- Claritin
- Cetirizine
- Fexofenadine
Nếu mề đay ở chân gây ngứa ngáy khó chịu về đêm, người bệnh có thể trao đổi với bác sĩ về các loại thuốc kháng Histamine an thần. Các loại phổ biến bao gồm Diphenhydramine và thuốc theo toa Hydroxyzine. Trong các trường hợp bệnh nghiêm trọng, bác sĩ có thể kê các loại Steroid đường uống hoặc tiêm Betamethasone Steroid để cải thiện các triệu chứng nổi chấm đỏ trên chân.
Sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ để tránh các rủi ro và biến chứng không mong muốn.
5. Vết cắn của côn trùng
Trong một số trường hợp tình trạng nổi chấm đỏ trên chân có thể liên quan đến vết cắn của một số loại côn trùng. Các loại côn trùng phổ biến bao gồm:
- Kiến lửa:
Vết cắn của kiến lửa có thể gây ra những vết sưng, nổi đỏ trên da, đôi khi có thể chứa mủ. Các vết cắn này có thể điều trị bằng thuốc kháng Histamine, chườm lạnh và thuốc giảm đau.
- Muỗi đốt:
Vết muỗi đốt ở chân thường gây ra một chấm đỏ nhỏ, đơn lẻ hoặc tụ thành một cụm. Các vết muỗi đốt thường không nguy hiểm và có thể điều trị bằng kem Hydrocortisone hoặc các loại kem chống ngứa.
- Rệp:
Vết cắn của rệp thường dẫn đến những vết sưng đỏ, nhỏ, ngứa, mỗi vết thương có một chấm đỏ nhỏ ở trung tâm. Các chấm đỏ này có thể gây ngứa dữ dội.
Vết cắn của rệp thường không nghiêm trọng và có thể điều trị bằng kem Hydrocortison.
- Bọ chét:
Vết cắn của bọ chét thường tập trung thành cụm, mỗi cụm có 3 – 4 chấm đỏ. Các chấm đỏ này có thể sưng to và chảy máu.
Nổi chấm đỏ trên chân do vết cắn của bọ chét thường được điều trị bằng kem Hydrocortison và thuốc kháng Histamine.
6. Bệnh vẩy nến ở chân
Bệnh vẩy nến là một tình trạng mãn tính gây xuất hiện các mảng da đỏ, có vảy. Vẩy nến có thể ảnh hưởng đến chân và gây nổi chấm đỏ trên chân.
Cách điều trị bệnh vẩy nến:
Vẩy nến là bệnh lý nghiêm trọng và cần điều trị kịp lúc để tránh các biến chứng. Biện pháp điều trị phổ biến thường là sử dụng thuốc mỡ tại chỗ như Corticosteroid có thể hỗ trợ giảm viêm, sưng và ngứa. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể đề nghị quang trị liệu để cải thiện các triệu chứng.
7. Ung thư da
Có một số loại ung thư da có thể dẫn đến việc nổi chấm đỏ trên chân. Ung thư da thường có liên quan đến việc tiếp xúc với ánh sáng mặt trời lâu dài mà không có biện pháp che chắn, bảo vệ.
Ung thư da cần được đến bệnh viện và điều trị theo phác đồ của bác sĩ.
Có rất nhiều nguyên nhân có thể gây ra các chấm đỏ trên chân. Các chấm đỏ trên chân có thể là một tình trạng da hoặc nó có thể là một biểu hiện của tình trạng y tế khác. Do đó, nếu tình trạng này kéo dài hoặc có dấu hiệu nhiễm trùng, người bệnh nên đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị phù hợp.
Các biện pháp khắc phục tại nhà cho tình trạng nổi chấm đỏ trên chân
Tình trạng nổi chấm đỏ trên chân có thể được cải thiện bằng một số biện pháp tại nhà như:
- Gel lô hội: Thoa gel lô hội lên chân có thể làm dịu da và cải thiện các cơn ngứa.
- Giấm táo: Thoa giấm táo, hoặc giấm trắng vào vùng da nổi chấm đỏ có thể làm dịu da và cải thiện tình trạng ngứa.
- Kem dưỡng da Calamine: Có thể cải thiện tình trạng sưng đỏ ở chân.
- Yến mạch: Hỗn hợp bột yến mạch và nước có chứa hóa chất gọi là Avenanthramides có thể giảm ngứa và cải thiện tình trạng viêm da.
Nổi chấm đỏ trên chân khi nào cần đến bệnh viện?
Thông thường, các chấm đỏ trên chân thường không liên quan đến các vấn đề nghiêm trọng. Tuy nhiên, nếu các chấm đỏ này có dấu hiệu nhiễm trùng hoặc trở nên nghiêm trọng, người bệnh nên đến bệnh viện để được hướng dẫn và điều trị phù hợp.
Một số dấu hiệu nhiễm trùng phổ biến bao gồm:
- Sưng tấy đỏ ở chân
- Chấm đỏ gây đau đớn
- Da bị phồng rộp, chảy mủ
- Sốt
Tình trạng nổi chấm đỏ trên chân thường không nghiêm trọng và có thể tự cải thiện sau một thời gian. Tuy nhiên, nếu cảm thấy lo lắng hoặc nếu các dấu hiệu trở nên nghiêm trọng, người bệnh nên đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị phù hợp.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!