8 Bài thuốc nam chữa viêm mũi dị ứng theo dân gian
Chữa viêm mũi dị ứng bằng thuốc nam là biện pháp được áp dụng khá phổ biến. Hầu hết các thảo dược được sử dụng đều gần gũi với người Việt nên chi phí thấp, an toàn và phù hợp với nhiều đối tượng. Tuy nhiên, đây là cách chữa theo kinh nghiệm dân gian nên không thật sự mang lại hiệu quả ở một số trường hợp.
Thuốc Nam là các loại thảo dược quý có nguồn gốc trong nước (khác với thuốc Bắc có nguồn gốc từ Trung Hoa). Các thảo dược này thực chất đều là những loài thực vật quen thuộc đối với người Việt có công năng và dược tính đa dạng. Khi y học hiện đại chưa phát triển, thuốc Nam được sử dụng để điều trị các chứng bệnh thường gặp, hỗ trợ phòng ngừa bệnh lý và nâng cao sức khỏe.
Đến nay, các bài thuốc chữa bệnh từ thuốc nam vẫn được lưu truyền và áp dụng rộng rãi. Trên thực tế, hiệu quả điều trị của một số cây thuốc nam đã được nghiên cứu và chứng minh trên phương diện khoa học. So với tân dược, thuốc nam được đánh giá có độ an toàn cao, lành tính, phù hợp với nhiều đối tượng và hầu như không gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng khi sử dụng trong thời gian dài.
8 Bài thuốc nam chữa viêm mũi dị ứng theo kinh nghiệm dân gian
Viêm mũi dị ứng là tình trạng niêm mạc mũi bị phù nề, sưng viêm do dị ứng với các yếu tố ngoại sinh như nấm mốc, hóa chất, khói bụi, khói thuốc, phấn hoa,… Bệnh bùng phát chủ yếu vào giai đoạn chuyển mùa với các triệu chứng đặc trưng như nghẹt mũi, sổ mũi, nghẹt mũi, ngứa mũi, đau nhức mô xoang xung quanh mũi, nhức đầu, mệt mỏi.
Bệnh lý này tương đối lành tính nhưng có tiến triển dai dẳng, ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Chính vì tính chất dai dẳng, mãn tính nên bệnh nhân rất dễ bị phụ thuộc và lạm dụng thuốc Tây quá mức. Để hạn chế tình trạng này, nhiều bệnh nhân sử dụng thuốc nam để thay thế trong giai đoạn bệnh ổn định.
Dưới đây là 8 bài thuốc dân gian chữa viêm mũi dị ứng bằng các cây thuốc nam quen thuộc:
1. Xông lá trầu không – Bài thuốc dân gian chữa viêm mũi dị ứng công hiệu
Xông lá trầu không chữa viêm mũi dị ứng là bài thuốc được lưu truyền rộng rãi trong dân gian. Trầu không là cây thuốc có vị cay nồng, tính ấm, tác dụng hành khí, tiêu viêm, chống ngứa và tán phong hàn. Thảo dược này thường được tận dụng để chữa các chứng bệnh bùng phát vào mùa lạnh như viêm họng, cảm lạnh, viêm mũi dị ứng, mề đay do dị ứng thời tiết,…
Nghiên cứu dược lý hiện đại nhận thấy, các chất trong lá trầu có khả năng diệt virus và kháng khuẩn tốt. Ngoài ra, trầu không còn chứa Cineol và Eugenol có tác dụng làm mát, giảm kích thích và ngứa ngáy ở niêm mạc hô hấp. Sử dụng trầu không xông mũi có thể giảm các triệu chứng khó chịu và hỗ trợ phòng ngừa viêm mũi dị ứng bội nhiễm. Hơn nữa, hơi nước có thể len lỏi vào các hốc xoang, khoang mũi giúp làm loãng chất nhầy và thúc đẩy dẫn lưu dịch tiết hô hấp.
Hướng dẫn thực hiện:
- Rửa sạch 1 nắm lá trầu không, để ráo và vò xát nhẹ
- Đun sôi 1 – 1.5 lít nước, sau đó cho lá trầu vào và tắt bếp
- Dùng nước đun lá trầu xông mũi từ 7 – 10 phút
- Sau đó, xì mũi nhẹ nhàng để làm sạch dịch tiết và dị nguyên ứ đọng bên trong khoang mũi
2. Chữa viêm mũi dị ứng bằng tỏi theo dân gian
Tỏi là loại gia vị quen thuộc có mùi hăng, vị cay nồng, tính ấm. Không chỉ có tác dụng gia tăng hương vị món ăn, tỏi còn được tận dụng để chữa các bệnh viêm đường hô hấp thường gặp như viêm xoang, viêm mũi dị ứng, viêm họng,… Vì vậy, bệnh nhân bị viêm mũi dị ứng quanh năm có thể áp dụng bài thuốc từ tỏi để giảm triệu chứng, đồng thời hạn chế tình trạng lạm dụng và phụ thuộc thuốc trong thời gian dài.
Dịch ngâm từ tỏi được chứng minh có khả năng ức chế virus, nấm và vi khuẩn, đặc biệt có hiệu quả với những chủng hại khuẩn đã kháng với các nhóm kháng sinh như penicilin, aureomycin, streptomycin và chloromycetin. Với khả năng kháng khuẩn mạnh, tỏi có thể hạn chế nguy cơ bị viêm mũi dị ứng bội nhiễm.
Cách dùng tỏi chữa viêm mũi dị ứng theo kinh nghiệm dân gian:
- Cách 1: Dùng nước ép tỏi pha với nước ấm theo tỷ lệ 1:1. Sau đó, sử dụng tăm bông thấm hỗn dịch thoa vòng lỗ mũi (tránh thoa quá sâu vào bên trong). Sau khoảng 5 – 10 phút, bệnh nhân xì mũi để loại bỏ dịch tiết và dùng khăn sạch lau khô lỗ mũi.
- Cách 2: Bóc vỏ 3 – 4 tép tỏi tươi, sau đó đập dập và cho 1.5 lít nước đã đun sôi. Dùng khăn trùm kín để hơi nước và tinh dầu từ tỏi đi sâu vào bên trong hốc xoang và khoang mũi. Sau khi xông khoảng 7 – 10 phút, xì mũi để làm sạch dịch tiết hô hấp và dùng khăn sạch lau khô.
3. Lá lốt – Cây thuốc nam trị viêm mũi dị ứng tốt
Lá lốt là cây thuốc nam quen thuộc được sử dụng để chữa các bệnh lý thường gặp như viêm xoang, cảm lạnh, tiêu chảy, đau bụng và viêm mũi dị ứng. Theo kinh nghiệm dân gian, lá lốt có tính ấm, tác dụng hành khí, tán phong hàn và sát trùng nên mang lại hiệu quả cao khi điều trị các bệnh lý do nhiễm hàn (khí lạnh).
Dân gian lưu truyền khá nhiều bài thuốc chữa viêm mũi dị ứng bằng lá lốt như xông mũi và nhỏ mũi bằng nước ép lá lốt tươi. Theo kinh nghiệm, các mẹo chữa từ lá lốt có khả năng giảm nghẹt mũi, ngứa mũi và hỗ trợ phòng ngừa bội nhiễm. Y học hiện đại cũng nhận thấy, tinh dầu trong thảo dược này có tác dụng ức chế một số chủng virus, nấm và hại khuẩn thường gây viêm nhiễm đường hô hấp, tiêu hóa.
Cách dùng lá lốt chữa viêm mũi dị ứng theo kinh nghiệm dân gian:
- Cách 1: Sử dụng khoảng 4 – 5 lá lốt tươi, đem rửa sạch, để ráo và giã nát ép lấy nước. Dùng nước hòa với nước sôi để nguội, sau đó dùng tăm bông thấm hút dịch và thoa vào lỗ mũi (tránh thoa quá sâu). Sau 5 – 10 phút, xì mũi để làm sạch chất nhầy và loại bỏ dị nguyên ứ đọng trong niêm mạc hô hấp. Cuối cùng, dùng khăn ẩm để làm sạch nước dịch ép lá lốt trong lỗ mũi.
- Cách 2: Rửa sạch 1 – 2 nắm lá lốt tươi, cho vào nồi và đun sôi với 1.5 lít nước. Dùng khăn trùm kín và xông mũi từ 7 10 phút. Sau khi xông, nên xì mũi để làm sạch dịch tiết hô hấp và sử dụng khăn ẩm để làm sạch khoang mũi.
4. Bài thuốc dân gian chữa viêm mũi dị ứng bằng bạc hà
Bạc hà là cây thuốc nam quý có nhiều công dụng chữa bệnh. Với vị cay, mùi thơm và tính mát, bạc hà thường được sử dụng để trị sốt cao, đầy hơi, chướng bụng và các chứng bệnh viêm đường hô hấp thường gặp như cảm lạnh, cảm cúm, viêm họng, viêm mũi dị ứng. Dân gian thường sử dụng bạc hà để pha trà hoặc xông mũi để làm sạch và giảm viêm, phù nề niêm mạc hô hấp.
Ngoài những ghi chép từ y học cổ truyền, y học hiện đại cũng đã công nhận một số tác dụng của cây bạc hà. Cụ thể, hoạt chất Menthol trong thảo dược này có tác dụng làm mát, giảm ngứa và đau rát ở niêm mạc. Bên cạnh đó, tinh dầu từ bạc hà còn có hiệu quả kháng virus và ức chế vi khuẩn, hiệu quả trong việc phòng ngừa viêm mũi dị ứng bội nhiễm.
Một số bài thuốc dân gian chữa viêm mũi dị ứng bằng bạc hà:
- Trà bạc hà giảm viêm mũi dị ứng: Sử dụng bạc hà tươi rửa sạch, để ráo và vò nát cho vào tách. Thêm vào 250 – 300ml nước sôi và đậy kín từ 5 – 7 phút. Sau đó, cho thêm 1 ít đường phèn hoặc mật ong vào, khuấy đều và dùng uống khi trà còn ấm.
- Xông mũi với lá bạc hà: Rửa sạch 1 nắm bạc hà tươi, để ráo và cho vào nồi. Đun với 1 – 1.5 lít nước đến khi sôi thì tắt bếp. Dùng nước xông mũi từ 7 – 10 phút, có thể thêm vào vỏ chanh, sả, muối biển để tăng hiệu quả. Sau khi xông nên xì mũi và dùng khăn ẩm làm sạch.
5. Húng chanh – Vị thuốc nam chữa viêm mũi dị ứng an toàn
Húng chanh là loại rau thơm quen thuộc với người Việt. Nhờ có công năng và dược tính đa dạng, thảo dược này còn được sử dụng để chữa các chứng bệnh thường gặp như viêm mũi dị ứng, viêm xoang, viêm họng, ho khan, ho có đờm,… Công dụng chữa các bệnh hô hấp của húng chanh cũng đã được nghiên cứu trên phương diện khoa học.
Y học hiện đại nhận thấy, tinh dầu của húng chanh có khả năng ức chế vi khuẩn mạnh – đặc biệt là với tụ cầu vàng và phế cầu khuẩn (các tác nhân thường gây viêm mũi dị ứng bội nhiễm). Ngoài ra, thảo dược này còn chứa Eugenol có tác dụng giảm ngứa và cải thiện hiện tượng phù nề, sưng viêm ở niêm mạc đường hô hấp. Qua đó hỗ trợ giảm nghẹt mũi, ngứa mũi và chảy nước mũi do viêm mũi dị ứng gây ra.
Hướng dẫn thực hiện:
- Cách 1: Rửa sạch 1 nắm lá húng chanh đem nấu nước uống hằng ngày như trà. Nên dùng liên tục trong 5 – 7 này (đặc biệt là giai đoạn bệnh bùng phát mạnh) để giảm hỗ trợ làm loãng dịch tiết hô hấp và cải thiện tình trạng nghẹt mũi, ngứa mũi.
- Cách 2: Dùng 2 nắm lá húng chanh tươi rửa sạch, sau đó đun với 1.5 lít nước và xông mũi hằng ngày. Sau khi xông, nên xì mũi để làm sạch hết dịch nhầy và chất gây dị ứng. Áp dụng liên tục trong 5 – 7 ngày để nhận thấy hiệu quả rõ rệt.
6. Các bài thuốc chữa viêm mũi dị ứng từ gừng
Các bài thuốc chữa viêm mũi dị ứng từ gừng được áp dụng rộng rãi và phổ biến. Theo kinh nghiệm dân gian, gừng có tác dụng tán phòng hàn, giảm ho, đau rát họng và sát khuẩn tốt. Nghiên cứu hiện đại cũng cho thấy, dịch chiết từ củ gừng tươi có khả năng kháng khuẩn tốt – hiệu quả với cả vi khuẩn gram âm (-) và vi khuẩn gram dương (+). Áp dụng mẹo trị viêm mũi dị ứng từ gừng thường xuyên có thể hạn chế nguy cơ bội nhiễm đáng kể.
Ngoài ra, gừng còn chứa các hoạt chất có khả năng chống viêm tự nhiên như Zingerone, Gingerol và Cineol. Nghiên cứu cho thấy, các thành phần trong gừng có tác dụng ức chế hoạt tính của acetylcholin và histamine. Từ đó giúp giảm buồn nôn, nôn mửa và hỗ trợ giảm viêm, phù nề ở niêm mạc hô hấp.
Một số bài thuốc dân gian chữa viêm mũi dị ứng gừng:
- Dùng trà gừng: Sử dụng 2 – 3 củ gừng tươi, đem rửa sạch, thái lát và hãm với 250 – 300ml nước sôi. Sau đó, thêm vào 1 ít mật ong hoặc đường phèn, khuấy đều và uống từng ngụm nhỏ khi trà còn ấm.
- Chườm gừng tươi: Rửa sạch 1 – 2 củ gừng tươi, đem giã nát. Sau đó, dùng khăn sạch thấm nước ấm, vắt bớt nước và cuộn gừng tươi vào bên trong. Dùng khăn chườm ở vùng mũi để tăng tuần hoàn máu và thúc đẩy dẫn lưu dịch. Khi chườm, nên giữ thẳng đầu hoặc ngả về phía sau 45 độ để dịch tiết hô hấp dễ dàng đào thải ra bên ngoài.
- Xông mũi bằng gừng: Tương tự như các cây thuốc nam trên, bệnh nhân cũng có thể dùng gừng tươi để xông mũi. Tinh dầu từ gừng và hơi nước có thể len lỏi sâu vào niêm mạc hô hấp giúp giảm phù nề, ngứa ngáy và hỗ trợ ức chế vi khuẩn có hại.
7. Trị viêm mũi dị ứng bằng hoa ngũ sắc (hoa cứt lợn)
Hoa ngũ sắc (hoa cứt lợn) là cây thuốc nam được sử dụng phổ biến trong điều trị viêm mũi dị ứng. Theo y học cổ truyền, thảo dược này có vị hơi đắng, tính mát, tác dụng tiêu sưng, giải độc và thanh nhiệt. Dùng cây cứt lợn giã lấy nước nhỏ mũi hoặc kết hợp với các thảo dược khác có thể giảm nhanh triệu chứng của viêm mũi dị ứng.
Mặc dù chưa được nghiên cứu nhiều nhưng qua một số nghiên cứu sơ bộ, tinh dầu trong thảo dược này được chứng minh có khả năng tiêu viêm, kháng dị ứng và chống ngứa. Vì vậy, áp dụng các bài thuốc chữa bệnh từ cây cứt lợn có thể đẩy lùi triệu chứng do viêm mũi dị ứng và một số bệnh hô hấp thường gặp khác.
Một số bài thuốc chữa viêm mũi dị ứng bằng hoa ngũ sắc (cây cứt lợn):
- Cách 1: Dùng 1 ít hoa ngũ sắc rửa sạch, để ráo và giã nát lấy nước ép. Sử dụng bông gòn thấm nước ép và nhét vào từng lỗ mũi. Mỗi bên nhét từ 5 – 7 phút, thực hiện đều đặn 2 – 3 lần/ ngày.
- Cách 2: Kết hợp hoa ngũ sắc với bạc hà và lá khế tươi nấu nước xông mũi. Cách này có hiệu quả đối với bệnh viêm xoang và viêm mũi dị ứng. Để đạt hiệu quả tốt, bệnh nhân nên áp dụng đều đặn 1 lần/ ngày để giảm nghẹt mũi, ngứa mũi và hỗ trợ loại bỏ dịch tiết hô hấp.
8. Bài thuốc dân gian chữa viêm mũi dị ứng bằng ngải cứu
Bài thuốc chữa viêm mũi dị ứng bằng ngải cứu là mẹo dân gian quen thuộc được nhiều bệnh nhân áp dụng. Ngải cứu có tính ấm, vị cay, đắng tác dụng giảm đau, điều hòa khí huyết, giải độc và tán phong hàn nên được dùng nhiều trong bài thuốc trị các chứng bệnh ở phụ nữ và đau nhức xương khớp.
Ngoài ra, thảo dược này còn được dùng để điều trị các chứng bệnh da liễu và hô hấp do nhiễm lạnh (cảm lạnh, viêm mũi dị ứng, mề đay,…).
Cách dùng ngải cứu trị viêm mũi dị ứng:
- Rửa sạch 1 nắm ngải cứu tươi, lặt bỏ lá sâu già
- Đun 1.5 lít nước rồi cho ngải cứu vào đun sôi từ 3 – 5 phút rồi tắt bếp
- Dùng nước xông mũi từ 7 – 10 phút
- Sau khi xông, xì mũi nhẹ để làm sạch chất nhầy ứ đọng trong khoang mũi
- Sau đó, dùng khăn mềm làm sạch lỗ mũi
Một số lưu ý khi điều trị viêm mũi dị ứng bằng thuốc nam
Chữa viêm mũi dị ứng bằng thuốc nam được đánh giá là biện pháp an toàn, lành tính và chi phí thấp hơn so với tân dược. Hơn nữa, các bài thuốc dân gian chủ yếu sử dụng thảo dược tự nhiên nên có thể áp dụng cho nhiều đối tượng và gần như không xảy ra hiện tượng “nhờn thuốc”.
Tuy nhiên trước khi điều trị viêm mũi dị ứng bằng thuốc nam, bệnh nhân cần lưu ý một số vấn đề sau:
- Trong giai đoạn bệnh ổn định, có thể áp dụng đơn lẻ các bài thuốc dân gian. Tuy nhiên nếu bệnh bùng phát mạnh cả về tần suất và mức độ (giai đoạn cấp), nên kết hợp sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ. Nếu phụ thuộc mẹo dân gian quá mức, bệnh có thể tiến triển dai dẳng, tái phát nhiều lần và làm tăng nguy cơ bị viêm mũi dị ứng bội nhiễm.
- Mặc dù có độ an toàn cao nhưng đa phần thuốc nam đều có hiệu quả chậm và tác dụng phụ thuộc nhiều vào cơ địa. Vì vậy, bệnh nhân nên áp dụng bài thuốc đều đặn trong thời gian dài để nhận thấy hiệu quả. Nếu không nhận thấy triệu chứng thuyên giảm, nên thay thế phương pháp để tránh gây trì hoãn tiến độ phục hồi.
- Nên kết hợp giữa các bài thuốc uống và dùng ngoài (nhỏ mũi, xông mũi, chườm đắp,…) để đạt hiệu quả tối ưu.
- Cần ngâm rửa thuốc nam trước khi dùng. Tránh sử dụng nguyên liệu chưa được làm sạch khiến niêm mạc mũi bị kích ứng và phù nề nặng.
- Ngoài các bài thuốc dân gian, bệnh nhân cũng có thể áp dụng các cách chữa viêm mũi dị ứng tại nhà để hỗ trợ kiểm soát triệu chứng và tiến triển của bệnh.
- Trong thời gian điều trị, nên tránh sử dụng các loại thực phẩm dị ứng và hạn chế tiếp xúc các chất dị ứng như khói thuốc, phấn hoa, nấm mốc, hóa chất, mạt bụi,…
- Hỗ trợ quá trình điều trị bằng cách nghỉ ngơi và ăn uống điều độ. Ngoài ra, nên hạn chế di chuyển ngoài trời và giữ ấm cơ thể khi thời tiết chuyển lạnh.
Hy vọng qua 8 bài thuốc nam chữa viêm mũi dị ứng được tổng hợp trong bài viết, bệnh nhân có thể lựa chọn được biện pháp phù hợp với cơ địa và tình trạng sức khỏe. Tuy nhiên, cần chú ý kết hợp với sử dụng thuốc và xây dựng lối sống khoa học để kiểm soát bệnh nhanh chóng.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!