Bệnh viêm họng: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Bệnh viêm họng hạt: Nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết và điều trị

Bệnh viêm họng: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Viêm họng là bệnh đường hô hấp phổ biến, hầu như mọi đối tượng đều mắc phải ít nhất vài lần trong đời. Tuy không phải là căn bệnh nguy hiểm, nhưng triệu chứng của bệnh gây ra không ít sự khó chịu và dễ khiến cơ thể mệt mỏi. Trong trường hợp không được quan tâm và kịp thời điều trị, bệnh có khả năng chuyển sang giai đoạn mãn tính, lúc này người bệnh có thể đối mặt với những biến chứng nguy hiểm.

Viêm họng là bệnh hô hấp rất phổ biến, hầu như mọi đối tượng có khả năng mắc vài lần trong đời
Viêm họng là bệnh hô hấp rất phổ biến, hầu như mọi đối tượng có khả năng mắc vài lần trong đời

Bệnh viêm họng là gì?

Thời tiết chuyển lạnh hay cơ thể tiếp xúc với tác nhân bên ngoài môi trường là điều kiện thuận lợi để bệnh viêm họng khởi phát. Viêm họng là hiện tượng lớp niêm mạc họng hầu bị viêm nhiễm do nhiều nguyên nhân khác nhau. Hầu hết các trường hợp bị viêm họng đều do virus gây ra. Tuy nhiên, ở một số trường hợp khác, bệnh khởi phát do vi khuẩn hoặc một số yếu tố kích thích khác. Trong đó, viêm họng do vi khuẩn gây ra có mức độ nghiêm trọng cao hơn và dễ phát sinh biến chứng.

Giới y học đã phân chia bệnh viêm họng thanh hai loại chính dựa vào quá trình phát triển bệnh và triệu chứng lâm sàng, bao gồm: viêm họng cấp tính và viêm họng mãn tính. Phần lớn, các trường hợp mắc bệnh viêm họng đều thuyên giảm sau 5 – 7 ngày sử dụng thuốc hoặc điều chỉnh lối sinh hoạt. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn không thể loại trừ các trường hợp bệnh tiến triển sang giai đoạn mãn tính. Điều này làm ảnh hưởng không hề nhỏ đến chức năng hô hấp, sức khỏe và chất lượng đời sống thường ngày.

Nguyên nhân gây ra bệnh viêm họng

Có rất nhiều nguyên nhân gây bệnh viêm họng và nhiều yếu tố tác động khiến bệnh tình trở nên nghiêm trọng. Một trong số đó có thể kể đến các nguyên nhân sau:

  • Do virus: Có đến 90% trường hợp mắc bệnh viêm họng hay một số vấn đề hô hấp khác là do bị nhiễm virus. Một số virus có khả năng gây nhiễm trùng hầu họng như: virus cúm, coronavirus, parainfluenza virus, adeno virus, virus thủy đậu, virus quai bị, Herpes simplex virus,… và nhiều chủng virus khác. Chúng có thể xâm nhập vào hầu họng thông qua việc tiếp xúc với nước bọt hoặc dịch đờm của người nhiễm bệnh. Một số trường hợp khác có thể do mắc bệnh quai bị, ho gà, cảm lạnh hay cảm cúm;
  • Do vi khuẩn: Mặc dù khả năng bị viêm họng do vi khuẩn tương đối thấp nhưng mức độ nghiêm trọng, diễn tiến phức tạp và dễ phát sinh biến chứng hơn so với nguyên nhân mắc bệnh do virus. Trong một số tài liệu báo cáo cho thấy, loại vi khuẩn chủ yếu gây nhiễm trùng ở hầu họng là liên cầu khuẩn nhóm A. Một số trường hợp khác có thể là do vi khuẩn bạch cầu, chlamydia hoặc lậu cầu.
Có đến 90% trường hợp mắc bệnh viêm họng hay một số vấn đề hô hấp khác là do bị nhiễm virus
Có đến 90% trường hợp mắc bệnh viêm họng hay một số vấn đề hô hấp khác là do bị nhiễm virus

Ngoài ra còn phải kể đến một số yếu tố khác cũng có thể trở thành thủ phạm gây bệnh viêm họng, bao gồm:

  • Do dị ứng: Dị ứng với thời tiết, phấn hoa, lông thú, bụi bẩn,… đều có khả năng kích thích phản ứng hệ miễn dịch giải phóng histamine vào mô hầu họng, từ đó dẫn đến hiện tượng viêm nhiễm và sưng đau;
  • Không khí khô lạnh: Không khí khô lạnh có thể khiến lớp niêm mạc cổ họng bị khó chịu, ngứa họng và kích thích;
  • Hút thuốc lá: Trong khói thuốc lá chứa lượng lớn chất độc hại không chỉ làm ảnh hưởng sức khỏe tổng thể mà còn làm hại đến đường hô hấp, dẫn đến tình trạng sưng viêm và đau họng;
  • La hét hay nói chuyện to trong thời gian dài: Đây đều là nguyên nhân khiến cho mô thanh quản và hầu họng bị kích thích mạnh. Chính vì sự tác động đó đã khiến gây ra bệnh viêm họng;
  • Ảnh hưởng của bệnh trào ngược dạ dày: Trào ngược dạ dày thực quản là tình trạng axit dịch vị trào ngược lên thực quản và cổ họng. Nếu tình trạng này kéo dài trong thời gian dài có thể phá hủy lớp niêm mạc cổ họng, từ đó dẫn đến hiện tượng nóng rát và đau nhức;
  • Nhiễm HIV: Các đối tượng bị nhiễm HIV thường có hệ thống miễn dịch yếu hơn so với các người khỏe mạnh. Do đó, họ rất dễ bị vi khuẩn xâm nhập, tấn công và gây bệnh viêm họng mãn tính.
Nói nhiều, hét lo đều khiến mô thanh quản và hầu họng bị kích thích mạnh, dẫn đến bệnh viêm họng
Nói nhiều, hét lo đều khiến mô thanh quản và hầu họng bị kích thích mạnh, dẫn đến bệnh viêm họng

Triệu chứng thường gặp của bệnh viêm họng

Bệnh viêm họng có khá nhiều triệu chứng đặc trực và khá dễ để nhận biết. Song mỗi giai đoạn cụ thể sẽ có những biểu hiện nhận biết khác nhau. Đó có thể là:

Triệu chứng của viêm họng cấp tính

Ở giai đoạn nhẹ, người bệnh có thể gặp phải triệu chứng sau:

  • Cổ họng khô, đau rát nhiều khi nuốt nước bọt;
  • Gặp khó khăn trong việc nuốt nước bọt, nuốt thức ăn;
  • Niêm mạc họng sưng đỏ, sưng huyết và phù nề;
  • Viêm, sưng amidan, trên bề mặt amidan có dịch nhầy;
  • Sưng hạch bạch huyết ở cổ gây khó chịu;
  • Ho khan;
  • Ngạt mũi nhiều;
  • Sốt nhẹ và đau đầu.

Triệu chứng của viêm họng mãn tính

Bệnh viêm họng mãn tính thường khởi phát chậm nhưng kéo dài trong nhiều tuần, thậm chí vài tháng, khó điều trị và dễ tái phát. Dấu hiệu nhận biết viêm họng mãn tính rất đặc trưng, người bệnh có thể tự nhận biết bản thân mắc bệnh thông qua một số triệu chứng sau:

  • Khô họng, ngứa và đau rát họng, kèm triệu chứng vướng víu ở cổ họng;
  • Trong họng có dịch đờm đặc;
  • Ho nhiều khi thời tiết chuyển lạnh hoặc giao mùa;
  • Niêm mạc họng sưng đỏ, có chất nhầy trong suốt;
  • Niêm mạc họng xuất hiện các hạt nhỏ, phân bổ dày đặc hoặc nổi cộm so với các vùng liên quan;
  • Ù tai, nhức tai, có triệu chứng gần giống như bệnh cảm cúm nên dễ bị nhầm lẫn.
Niêm mạc họng sưng đỏ, có chất nhầy trong suốt là triệu chứng thường gặp của bệnh viêm họng ở giai đoạn mãn tính
Niêm mạc họng sưng đỏ, có chất nhầy trong suốt là triệu chứng thường gặp của bệnh viêm họng ở giai đoạn mãn tính

Bệnh viêm họng có lây không?

Như vừa mới đề cập, nguyên nhân chính gây bệnh viêm họng là do virus hoặc vi khuẩn, nhưng đa số là do virus nên khả năng bệnh lây lan từ người sang người là hoàn toàn có thể. Phần lớn, các virus hay vi khuẩn thường cư trú ở khoang mũi và cổ họng của người bệnh. Khi hắt hơi hay ho, dịch tiết chứa mầm bệnh sẽ bay vào trong không khí. Bạn có thể mắc bệnh nếu:

  • Hít phải chất dịch tiết mang mầm bệnh của người bị viêm họng;
  • Chạm phải những vật dụng có chứa chất dịch tiết này và đưa lên mặt hoặc khoang mũi;
  • Ăn hoặc uống thức ăn bị nhiễm bẩn, nhiễm khuẩn.

Các chuyên gia còn cho biết, thời gian ủ bệnh của virus kéo dài trong vài ngày, khả năng người bệnh có thể bị nhiễm virus trước khi các triệu chứng xuất hiện nên khó có khả xác định đúng thời điểm tiếp xúc với mầm bệnh.

Bệnh viêm họng có nguy hiểm không?

Về bản chất, viêm họng là bệnh lành tính và có khả năng tự khỏi sau khoảng 5 – 7 ngày mắc bệnh. Tuy nhiên, bệnh kéo dài hơn 7 ngày hoặc tái phát nhiều lần có khả năng dẫn đến viêm họng mãn tính. Lúc này, việc điều trị càng khó khăn, tốn kém hơn và dễ gây biến chứng. Bệnh viêm họng có thể nguy hiểm khi xuất hiện các biến chứng như:

  • Viêm họng có thể dẫn đến các biến chứng tại chỗ như khối mủ, áp xe bên trong họng, sau họng, áp xe quanh amidan,…;
  • Đường hô hấp dưới có thể bị ảnh hưởng và gây ra bệnh viêm phổi, áp xe phổi, suy giảm chức năng phổi,…;
  • Dịch mủ ở họng có thể lan rộng ra các khu vực lân cận khiến người bệnh mắc viêm phế quản, viêm thanh quản, viêm khí quản,…;
  • Vì tai mũi họng là ba bộ phận có quan hệ mật thiết với nhau nên họng bị tổn thương có thể kéo theo hai cơ quan còn lại bị thương theo. Một số biến chứng có thể gặp phải như: bít tắc vòi nhĩ, viêm tai giữa, viêm tai trong cấp tính, nghe kém, nghẹt mũi, viêm xoang cấp, viêm mũi,…;
  • Viêm họng do vi khuẩn gây ra có thể gây biến chứng xa vì vi khuẩn dễ xâm nhập vào máu và theo con đường này làm ảnh hưởng đến một số cơ quan khác như tim, thận, khớp,… Lúc này, việc điều trị bệnh càng trở nên khó khăn hơn, có thể để lại di chứng về sau;
  • Đối với các trường hợp sử dụng thuốc kháng sinh không có tác dụng, vi khuẩn kháng thuốc và độc tính mạng có khả năng gây ra tình trạng choáng nhiễm độc liên cầu, tụt huyết áp, rối loạn tri khác, nhiễm trùng huyết,…
Vì tai và họng có quan hệ mật thiết với nhau nên khi họng bị tổn thương thì tai cũng bị kích thích không kém
Vì tai và họng có quan hệ mật thiết với nhau nên khi họng bị tổn thương thì tai cũng bị kích thích không kém

Nếu không mong muốn gặp phải những biến chứng trên, người bệnh nên chủ động hơn trong việc thăm khám bệnh từ sớm và có phác đồ điều trị kịp thời.

Các phương pháp chữa bệnh viêm họng hiệu quả

Tùy vào tình trạng sức khỏe và mức độ bệnh lý nặng nhẹ mà người bệnh có thể lựa chọn những phương án điều trị phù hợp. Đó có thể là việc điều trị bằng thuốc không kê đơn, thuốc kê đơn hoặc áp dụng các biện pháp điều trị tại nhà.

1. Biện pháp trị viêm họng nhà

Đối với các trường hợp bị viêm họng ở mức độ nhẹ, vừa mới khởi phát, người bệnh hoàn toàn có thể tự điều trị bệnh tại nhà mà không nhất thiết phải dùng thuốc kháng sinh. Dưới đây là một số biện pháp đơn giản, người bệnh có thể áp dụng ngay:

  • Súc miệng bằng nước muối ấm: Về bản chất, muối có tác dụng sát trùng, kháng khuẩn mạnh và làm giảm cảm giác đau rát. Không những vậy, súc miệng bằng nước muối ấm còn giúp làm sạch khoang miệng và cải thiện mùi hôi. Người bệnh chỉ cần hòa một thìa muối biển cùng với 200 – 250ml nước lọc ấm và dùng ngay khi còn ấm. Khi triệu chứng đau rát nhiều, người bệnh nên súc miệng với dung dịch này ít nhất 1 lần mỗi giờ;
  • Điều chỉnh độ ẩm cho căn phòng: Không khí cũng có thể trở thành yếu tố khiến bệnh viêm họng trở nên nghiêm trọng hơn nên người bệnh cần biết cách điều chỉnh sao cho phù hợp. Tốt nhất, bạn nên trang bị máy tạo độ ẩm cho căn phòng hoặc hệ thống trang bị hệ thống lọc không khí. Nếu không có điều kiện trang bị máy tạo độ ẩm, bạn có thể sử dụng thiết bị làm mát như quạt, điều hòa,… nhưng điều chỉnh nhiệt độ sao cho không khí không bị hanh khô;
  • Uống trà gừng: Trong gừng có chứa nhiều thành phần có tác dụng kháng viêm, kháng khuẩn mạnh. Song, dược liệu này còn có khả năng làm loãng dịch đờm, từ đó giúp thông thoáng mũi họng. Để cải thiện triệu chứng đau họng, người bệnh có thể dùng mỗi ngày một ly trà gừng. Nếu có cảm giác khó uống hoặc uống chưa quen, nên hòa thêm một muỗng mật ong và nước cốt chanh.
Uống nước trà gừng vừa có tác dụng thanh nhiệt, giải độc vừa giúp cải thiện bệnh viêm họng
Uống nước trà gừng vừa có tác dụng thanh nhiệt, giải độc vừa giúp cải thiện bệnh viêm họng

Ngoài ra, còn nhiều biện pháp chăm sóc bệnh viêm họng khác tại nhà cũng được đánh giá cao về công hiệu như: dành thời gian để nghỉ ngơi, hạn chế lao động quá sức, tăng cường bổ sung vitamin C, ăn uống điều độ, vệ sinh răng miệng, tránh la hét và giao tiếp trong thời gian dài,…

2. Điều trị viêm họng bằng thuốc Tây y

Thuốc dùng trong điều trị viêm họng chủ yếu là thuốc không kê đơn. Thuốc được dùng trị bệnh còn dựa vào nguyên nhân gây bệnh và triệu chứng của bệnh. Dưới đây là một số loại thuốc thông dụng:

  • Thuốc giảm đau, hạ sốt: Bác sĩ trường chỉ định sử dụng thuốc giảm đau hạ sốt có chứa thành phần hoạt chất Paracetamol để giảm đau hạ sốt do bệnh viêm họng gây ra. Loại thuốc này được đánh giá tương đối an toàn, có thể dùng được cho cả người lớn và trẻ em;
  • Thuốc long đờm: Loại thuốc này được sử dụng cho các trường hợp đờm ứ nhiều ở cổ họng gây khó chịu. Một số loại thuốc thường được chỉ định như Bromhexin, Acetylcystein, Terpin hydrat,… Người bệnh nên uống thuốc này cùng với nhiều nước để hỗ trợ tống đờm ra bên ngoài nhanh chóng;
  • Thuốc giảm ho: Bác sĩ có thể kê thêm thuốc uống hoặc viêm ngậm để làm thông họng và trị ho;
  • Thuốc kháng sinh: Nhóm thuốc này được chỉ định dùng cho các trường hợp bị viêm họng do vi khuẩn gây ra. Nhóm kháng sinh được sử dụng chủ yếu là nhóm beta – lactam;
  • Thuốc kháng histamin H1: Nhóm thuốc này được dùng để điều trị viêm họng do dị ứng thời tiết, phấn hoa,… Chúng có tác dụng ức chế thành phần trung gian histamin ở thụ thể H1, từ đó giúp làm giảm triệu chứng do bệnh dị ứng gây ra.

Đối với trường hợp bị viêm họng do trào ngược dạ dày thực quản, người bệnh có thể dùng thuốc kháng axit, thuốc ức chế bơm proton hoặc thuốc chẹn H2 để kiểm soát hiện tượng dịch vị trào ngược lên cổ họng và thực quản.

Dùng thuốc Tây y đúng cách, đúng liều lượng để phòng tránh tác dụng phụ không may xảy ra
Dùng thuốc Tây y đúng cách, đúng liều lượng để phòng tránh tác dụng phụ không may xảy ra

Trong quá trình điều trị viêm họng bằng thuốc, người bệnh nên sử dụng thuốc đúng cách và đúng liều lượng. Tuyệt đối không tự ý điều chỉnh thuốc hay tăng liều khi chưa có sự đồng ý của bác sĩ chuyên khoa. Bởi có thể bạn sẽ gặp phải một số tác dụng phụ trong quá trình điều trị bằng thuốc.

3. Điều trị xâm lấn trị viêm họng khi nào?

Điều trị xâm lấn thường được chỉ định cho trường hợp bị viêm họng hạt. Khi đó, các hạt nhỏ hình thành ở thành họng (được gọi là hạch lympho) đảm nhiệm chức năng “bắt giữ” virus, vi khuẩn nhằm kiểm soát hệ hô hấp. Tuy nhiên, nếu tình trạng nhiễm trùng kéo dài trong khoảng thời gian dài sẽ khiến bộ phận này hoạt động liên tục và bị sau yếu, từ đó dẫn đến tình trạng nổi các hạt nhỏ ở thành sau họng.

Mặc dù viêm họng hạt không gây đau nhưng chúng gây ra cảm giác vướng víu khó chịu, khó khăn khi ăn uống và giao tiếp. Do đó, trường hợp này thường được bác sĩ chỉ định đốt viêm họng hạt để loại bỏ triệu chứng, đồng thời kết hợp với việc dùng thuốc để phòng tránh nguy cơ tái phát.

Viêm họng – Khi nào bạn nên đến gặp bác sĩ?

Viêm họng mà bệnh thường gặp ở mọi đối tượng và có xu hướng nhanh khỏi sau khi dùng thuốc và nghỉ ngơi hợp lý. Tuy nhiên, nhiều trường hợp mắc bệnh buộc người bệnh cần nhanh chóng tìm gặp bác sĩ chuyên khoa để phòng bệnh trở nặng. Tốt nhất, bạn nên đến gặp bác sĩ nếu gặp phải một trong những trường hợp sau:

  • Triệu chứng của bệnh viêm họng kéo dài hơn 10 ngày mà không có dấu hiệu thuyên giảm;
  • Đau rát cổ họng cực kỳ gây khó nuốt;
  • Nuốt nước bọt thấy đau nhiều;
  • Khó thở, tức ngực;
  • Sốt cao;
  • Phát ban da trên diện rộng.
Chủ động thăm khám nếu bệnh viêm họng không có dấu hiệu thuyên giảm sau hơn 7 ngày tự điều trị tại nhà
Chủ động thăm khám nếu bệnh viêm họng không có dấu hiệu thuyên giảm sau hơn 7 ngày tự điều trị tại nhà

Tại phòng khám, bác sĩ sẽ tiến hành khám sức khỏe tổng quát, quan sát cổ họng và tìm xem những vết sưng đỏ, phù nề. Đồng thời, kiểm tra tình trạng sưng hạch bạch huyết nếu có bằng cách chạm vào hai bên cổ và dưới dái tai. Nếu nghi ngờ bị viêm họng liên cầu khuẩn, bác sĩ sẽ chỉ định lấy mẫu dịch tiết ra từ cổ họng để xét nghiệm. Thông thường, kết quả sẽ có sau 24 giờ đồng hồ. Nếu nghi ngờ nguyên nhân khác gây viêm họng, bác sĩ có thể yêu cầu bệnh nhân làm xét nghiệm máu. Dựa vào kết quả kiểm tra, bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.

Một số biện pháp phòng ngừa bệnh viêm họng

Bệnh viêm họng hoàn toàn có thể phòng bệnh bằng cách thay đổi chế độ ăn uống, chế độ vệ sinh và lối sinh hoạt lành mạnh hằng ngày. Dưới đây là một số lời khuyên từ chuyên gia y tế:

  • Chú ý nhiều hơn đến việc vệ sinh răng miệng mỗi ngày ít nhất 2 lần vào mỗi buổi sáng thức dậy và buổi tối trước khi đi ngủ. Đồng thời, nên súc miệng bằng nước muối hằng ngày để loại bỏ các tác nhân gây bệnh;
  • Uống đủ lượng nước theo tiêu chuẩn 2 – 2,5 lít mỗi ngày. Bởi nước là phần không thể thiếu trong cuộc sống. Chúng không chỉ giúp ổn định điện giải trong cơ thể mà còn giúp bảo vệ cổ họng không bị khô rát;
  • Tuyệt đối không nên để cổ họng bị sốc nhiệt, lạnh hoặc nóng quá mức;
  • Khi đi ra ngoài, nên trang bị thêm một số vật dụng cá nhân như khẩu trang, áo ấm, khăn choàng để giữ ấm cơ thể và cổ họng, nhất là những ngày trời trở lạnh;
  • Nên đeo khẩu trang nơi đông người để phòng lây bệnh đường hô hấp. Đồng thời, đeo khẩu trang tại khu vực có nhiều khói bụi, khói thuốc lá, môi trường ô nhiễm;
  • Tránh tiếp xúc hoặc dùng chung đồ dùng cá nhân với người mắc bệnh đường hô hấp như viêm họng, cảm cúm,…;
  • Loại bỏ thói quen hút nhiều thuốc lá, sử dụng thực phẩm chức chất kích thích. Song, tăng cường bổ sung cho cơ thể đủ dưỡng chất cần thiết để cải thiện hệ tiêu hóa, nâng cao sức khỏe và phòng chống ốm vặt;
  • Dành nhiều thời gian để tập thể dục thể thao cũng như nghỉ ngơi. Tránh làm việc nặng nhọc hay quá sức;
  • Chủ động thăm khám khi cơn đau họng không có dấu hiệu thuyên giảm sau 5 – 7 ngày điều trị.
Đeo khẩu trang khi đi ra ngoài khi trời lạnh hoặc tiếp xúc nhiều người là biện pháp phòng bệnh viêm họng hiệu quả
Đeo khẩu trang khi đi ra ngoài khi trời lạnh hoặc tiếp xúc nhiều người là biện pháp phòng bệnh viêm họng hiệu quả

Viêm họng tuy là căn bệnh nhanh khỏi và ít gây biến chứng nhưng triệu chứng của bệnh không mấy dễ chịu. Người bệnh có thể tự chăm sóc và điều trị bệnh tại nhà mà không nhất thiết phải thăm khám chuyên khoa. Trong một số trường hợp bệnh chuyển biến nặng và lâu khỏi, người bệnh nên chủ động hơn trong việc thăm khám nhằm hạn chế nguy cơ bệnh phát triển mãn tính cũng như xuất hiện biến chứng nguy hiểm.

5/5 - (2 bình chọn)

Cùng chuyên mục

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Ẩn