Bị viêm mũi dị ứng nên ăn gì và kiêng gì để nhanh khỏi?
Bị viêm mũi dị ứng nên ăn gì, kiêng gì là vấn đề được nhiều bệnh nhân quan tâm. Bởi ngoài các phương pháp y tế, triệu chứng và tiến độ hồi phục của bệnh lý này còn phụ thuộc vào chế độ dinh dưỡng. Xây dựng chế độ ăn hợp lý có tác dụng nâng đỡ thể trạng và hỗ trợ quá trình điều trị đáng kể.
Viêm mũi dị ứng là tình trạng niêm mạc mũi bị phù nề và sưng viêm do tiếp xúc các yếu tố dị ứng như phấn hoa, nấm mốc, mạt bụi, lông động vật,… Bệnh thường bùng phát vào giai đoạn chuyển mùa và thời tiết lạnh với các triệu chứng điển hình như hắt hơi, nghẹt mũi, sổ mũi và ngứa mũi. Bệnh lý này có thể gặp ở cả trẻ nhỏ và người lớn – đặc biệt là người có cơ địa dị ứng.
Bị viêm mũi dị ứng nên ăn gì?
Chế độ dinh dưỡng là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến tốc độ phục hồi của bệnh nhân bị viêm mũi dị ứng. Thực tế cho thấy, xây dựng thực đơn ăn uống phù hợp giúp nâng cao sức khỏe, cải thiện hệ miễn dịch và giảm nhẹ một số triệu chứng của bệnh.
Ngoài ra, một số loại thực phẩm còn có khả năng chống dị ứng, kháng viêm, ức chế virus và vi khuẩn. Tăng cường bổ sung các loại thực phẩm này vào chế độ ăn hằng ngày có thể đẩy lùi triệu chứng và rút ngắn thời gian điều trị bệnh đáng kể.
Một số loại thực phẩm bệnh nhân bị viêm mũi dị ứng nên bổ sung:
1. Các loại thực phẩm giàu vitamin C
Các bệnh viêm đường hô hấp nói chung và viêm mũi dị ứng nói riêng đều có khả năng bùng phát mạnh ở người có hệ miễn dịch suy giảm. Bên cạnh đó, chức năng đề kháng kém còn khiến triệu chứng của bệnh tiến triển dai dẳng, dễ tái phát và đáp ứng kém với các phương pháp điều trị. Chính vì vậy ngoài các phương pháp y tế, bệnh nhân cần thực hiện thêm một số biện pháp để nâng đỡ thể trạng.
Thực phẩm giàu vitamin C có khả năng cải thiện hoạt động của các tế bào miễn dịch, từ đó giúp giảm nhẹ một số triệu chứng của bệnh như hắt hơi, sổ mũi, nghẹt mũi, nhức đầu, đau nhức các mô xoang xung quanh mũi. Ngoài ra, bổ sung vitamin C còn giúp ổn định hoạt động của tế bào miễn dịch và hạn chế phản ứng bất thường của cơ thể trước các yếu tố dị ứng, kích ứng,…
Hiệu quả của vitamin C đối với quá trình điều trị của các bệnh lý hô hấp cũng đã được chứng minh trên thực nghiệm lâm sàng. Nghiên cứu được thực hiện bằng cách bổ sung 75mg vitamin C/ ngày cho nữ giới và 90mg vitamin C/ ngày cho nam giới trong khoảng 7 – 10 ngày. Sau thời gian này, đa phần các bệnh nhận thấy triệu chứng giảm đi đáng kể cả về mức độ và tần suất.
Để tăng cường vitamin C cho cơ thể, bệnh nhân bị viêm mũi dị ứng nên bổ sung các loại thực phẩm như cam, quýt, bưởi, dâu tây, xoài chín, ổi, dưa hấu, rau chân vịt, cải ngọt, cải thìa, khoai lang,… Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể dùng vitamin C ở dạng sủi hoặc kẹo ngậm để nâng đỡ thể trạng và cải thiện chức năng miễn dịch.
2. Bị viêm mũi dị ứng nên bổ sung thực phẩm giàu Kẽm
Kẽm (Zinc) là khoáng chất cần thiết đối với cơ thể. Ngoài tác dụng tăng testosterone và cải thiện sức khỏe tình dục của nam giới, Kẽm còn có vai trò củng cố hệ miễn dịch. Các nghiên cứu cho thấy, Kẽm kích thích các tế bào miễn dịch như lympho T, B, đại thực bào nhằm tạo hàng rào vững chắc để bảo vệ cơ thể trước các tác nhân có hại.
Tương tự như vitamin C, Kẽm giúp cải thiện sức đề kháng và giảm nhẹ các triệu chứng của viêm mũi dị ứng. Bên cạnh đó, thành phần này còn thúc đẩy hoạt động hấp thu và chuyển hóa các chất dinh dưỡng trong cơ thể như canxi, magie, mangan, nhôm, đồng,… Vì vậy, tăng cường bổ sung thực phẩm giàu Kẽm vào chế độ ăn có khả năng phục hồi và cải thiện sức khỏe. Qua đó giúp nâng đỡ thể trạng và rút ngắn thời gian điều trị bệnh.
Một số loại thực phẩm giàu Kẽm tốt cho bệnh nhân bị viêm mũi dị ứng bao gồm, hạt bí, thịt bò, thịt heo, yến mạch, đậu đỏ, ốc, hàu, tôm, cua,… Nếu bị dị ứng hải sản, nên bổ sung Kẽm bằng các loại thịt và đậu để tránh tình trạng bệnh bùng phát nặng và dai dẳng hơn.
3. Tăng cường thực phẩm giàu lợi khuẩn
Lợi khuẩn (probiotic) có nhiều trong sữa chua, miso (đậu tương lên men), kim chi, một số loại phô mai,… Probiotic được biết đến với tác dụng cân bằng hệ vi sinh đường ruột, hỗ trợ điều hòa hoạt động tiêu hóa và ngăn ngừa táo bón. Ngoài ra, bổ sung lợi khuẩn còn mang đến nhiều lợi ích đối với bệnh nhân bị viêm đường hô hấp nói chung và viêm mũi dị ứng nói riêng.
Một nghiên cứu được thực hiện trong 12 tuần trên người trong độ tuổi từ 30 – 49 tuổi nhận thấy, tỷ lệ mắc các bệnh viêm đường hô hấp giảm đi đáng kể sau khi bổ sung thực phẩm giàu probiotic 1 – 2 lần/ ngày. Khi nghiên cứu chuyên sâu, các chuyên gia nhận thấy probiotic có khả năng tăng số lượng và hoạt động của các tế bào miễn dịch.
Do đó, bệnh nhân bị viêm mũi dị ứng nên bổ sung thực phẩm giàu probiotic vào chế độ ăn hằng ngày để nâng đỡ thể trạng và hỗ trợ quá trình điều trị. Ngoài ra, bổ sung lợi khuẩn thường xuyên còn kích thích vị giác, tạo cảm giác thèm ăn và ăn uống ngon miệng hơn. Điều này có vai trò vô cùng quan trọng giúp bệnh nhân nâng cao thể trạng và nhanh chóng kiểm soát triệu chứng của bệnh trong thời gian ngắn.
4. Thực phẩm giàu Omega 3
Omega 3 là chất béo không no có nhiều vai trò quan trọng đối với cơ thể. Trong đó phải kể đến tác dụng cải thiện thị lực, tăng cường hoạt động của não bộ, duy trì sức khỏe tim mạch và hỗ trợ phòng ngừa các bệnh xương khớp thường gặp. Bên cạnh đó, Omega 3 còn có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch và đẩy nhanh tốc độ phục hồi của cơ thể trong thời gian bị viêm nhiễm đường hô hấp.
Tuy nhiên, cơ thể không tự sản xuất Omega 3 mà buộc phải bổ sung từ các loại thực phẩm như cá béo, đậu nành, hạnh nhân, hạt óc chó, trứng gà, hàu,… Bổ sung Omega 3 đều đặn mỗi ngày giúp cải thiện hoạt động của các tế bào miễn dịch, từ đó hạn chế phản ứng thái quá khi tiếp xúc với dị nguyên.
Không chỉ giúp nâng cao hệ miễn dịch, Omega 3 còn có tác dụng chống viêm tự nhiên. Các nghiên cứu được thực hiện đều nhận thấy, bổ sung thực phẩm giàu Omega 3 vào chế độ ăn hằng ngày có thể làm giảm mức độ viêm ở các cơ quan bị tổn thương cả trong giai đoạn cấp và mãn tính. Vì vậy, bệnh nhân bị viêm mũi dị ứng nên bổ sung các loại thực phẩm giàu thành phần này để giảm mức độ phù nề ở khoang mũi.
5. Các loại gia vị có tác dụng chống viêm, kháng dị ứng
Ngoài tác dụng cung cấp dinh dưỡng cho cơ thể, một số loại thực phẩm còn có đặc tính chống viêm và kháng dị ứng tự nhiên. Bổ sung các loại thực phẩm này vào chế độ ăn hằng ngày có thể giảm nhẹ triệu chứng và đẩy nhanh tốc độ phục hồi ở bệnh nhân bị viêm mũi dị ứng.
Một số loại gia vị có tác dụng chống viêm, kháng dị ứng bệnh nhân nên tăng cường bổ sung:
- Nghệ: Nghệ là một trong những loại gia vị có đặc tính kháng khuẩn và chống viêm tự nhiên. Hoạt chất curcumin trong thảo dược này đã được chứng minh có tác dụng giảm hiện tượng viêm cấp và mãn tính, đồng thời đẩy nhanh tốc độ phục hồi của các cơ quan tổn thương. Để cải thiện triệu chứng của viêm mũi dị ứng, bệnh nhân nên bổ sung các món ăn, thức uống từ nghệ như nghệ ngâm mật ong, trà nghệ, sữa nghệ,… vào bữa ăn hằng ngày.
- Hành tây: Bệnh nhân bị viêm mũi dị ứng có thể thêm các món ăn từ hành tây vào chế độ dinh dưỡng để cải thiện sức khỏe và hệ miễn dịch. Hợp chất sulfur và allicin trong thực phẩm này có khả năng ức chế nấm, virus và vi khuẩn, từ đó hỗ trợ phòng ngừa viêm mũi dị ứng bội nhiễm. Ngoài ra, các hợp chất sinh học trong hành tây như Anthocyanin và Quercetin có tác dụng kháng viêm, giảm phù nề tự nhiên.
- Gừng: Tương tự như hành tây, gừng cũng là một trong những loại gia vị có tác dụng chống viêm, giảm phù nề, kháng khuẩn và ức chế các loại virus thường gây viêm nhiễm ở đường hô hấp. Ngoài ra, gừng còn chứa hoạt chất 6-gingerol có tác dụng ức chế các yếu tố tiền viêm và giảm thiểu lượng histamine được phóng thích vào niêm mạc hô hấp. Với tác dụng này, gừng có thể cải thiện các triệu chứng do viêm xoang và viêm mũi dị ứng gây ra.
6. Bổ sung đủ 2 lít nước mỗi ngày
Khi bị viêm mũi dị ứng, cơ quan hô hấp có xu hướng tăng sản xuất dịch tiết nhiều hơn bình thường nhằm bảo vệ tế bào biểu mô trước sự xâm nhập của dị nguyên (phấn hoa, hóa chất, nấm mốc,…). Do đó trong thời gian điều trị, bệnh nhân cần bổ sung đủ 2 lít nước/ ngày để bù nước và cân bằng điện giải. Ngoài ra, uống đủ nước còn giúp làm loãng dịch tiết hô hấp và tăng cường dẫn lưu mũi – xoang.
Bên cạnh nước lọc, bệnh nhân cũng có thể bù nước cho cơ thể bằng cách bổ sung nước khoáng, các loại nước ép từ rau củ, trái cây hoặc các loại trà thảo dược (hoa cúc, bạc hà, mật ong, trà quế, trà táo,…). Không chỉ giúp giảm nghẹt mũi, sổ mũi, uống đủ nước còn hỗ trợ giảm hiện tượng kích thích và ngứa ngáy ở thành sau họng.
Người bị viêm mũi dị ứng nên kiêng gì?
Thực tế, triệu chứng của bệnh viêm mũi dị ứng có thể trở nên nghiêm trọng khi sử dụng một số loại thức uống và thực phẩm không phù hợp. Do đó bên cạnh các nhóm thực phẩm nên bổ sung, bệnh nhân cần hạn chế một số món ăn, thức uống sau:
1. Thực phẩm dị ứng và có nguy cơ dị ứng cao
Viêm mũi dị ứng là một trong những bệnh lý có mối liên hệ mật thiết với cơ địa dị ứng. Ngoài bệnh lý này, người có cơ địa dị ứng còn dễ mắc các bệnh lý như hen phế quản (hen suyễn), viêm kết mạc dị ứng và viêm da cơ địa. Thể địa dị ứng chi phối đáp ứng miễn dịch và khiến cơ thể nhạy cảm hơn với các yếu tố như thời tiết, thức ăn, lông chó mèo, thực vật,…
Do đó, triệu chứng của viêm mũi dị ứng có thể diễn tiến dai dẳng và trầm trọng hơn khi dung nạp thực phẩm dị ứng hoặc các loại thực phẩm có nguy cơ dị ứng cao. Dị ứng thực phẩm xảy ra khi hệ miễn dịch nhận định protein trong thực phẩm là “dị nguyên” và đối kháng bằng cách sản sinh IgE (kháng thể). Khi nồng độ kháng thể trong máu tăng cao, histamine cùng với các chất trung gian gây viêm bị hoạt hóa và phóng thích vào da, niêm mạc.
Do đó nếu sử dụng thực phẩm dị ứng, mô xoang và niêm mạc mũi có thể bị phù nề nghiêm trọng. Nặng hơn bệnh nhân có thể gặp phải các triệu chứng dị ứng nặng như nổi mề đay, phù mạch, ngứa cổ họng, khó thở, choáng váng, hạ huyết áp hoặc thậm chí là sốc phản vệ. Để tránh bệnh tiến triển dai dẳng, nên hạn chế sử dụng thực phẩm gây dị ứng và các loại thực phẩm có nguy cơ dị ứng cao như hải sản, hạt điều, mè (vừng), lòng trắng trứng,…
2. Rượu bia và đồ uống chứa caffeine
Rượu bia và đồ uống chứa caffeine là các loại thức uống có nguy cơ dị ứng cao. Sử dụng các loại thức uống này trong thời gian bị viêm mũi dị ứng có thể làm nghiêm trọng triệu chứng của bệnh, đồng thời khiến bệnh tiến triển dai dẳng và chậm lành hơn.
Bên cạnh đó, rượu bia và đồ uống chứa caffeine còn làm giảm sức đề kháng và tăng các phản ứng thái quá của hệ miễn dịch trước những yếu tố kích ứng, dị ứng. Dù chưa có nghiên cứu cụ thể nhưng qua một số thực nghiệm, các chuyên gia nhận thấy triệu chứng của các bệnh dị ứng có xu hướng nặng và dai dẳng hơn khi sử dụng rượu bia trong thời gian dài.
3. Một số loại thực phẩm khác
Ngoài ra, bệnh nhân bị viêm mũi dị ứng cũng nên hạn chế các loại thực phẩm như:
- Thực phẩm, thức uống lạnh: Sử dụng đồ uống và món ăn lạnh khi bị viêm mũi dị ứng có thể làm nghiêm trọng triệu chứng ho, ngứa họng, nghẹt mũi và sổ mũi. Hơn nữa, dùng các đồ lạnh khi thời tiết khô lạnh và chuyển mùa còn làm tăng nguy cơ mắc các bệnh viêm đường hô hấp như cảm lạnh, cảm cúm, viêm họng và viêm thanh quản.
- Đồ ăn cay nóng: Đồ ăn cay nóng là một trong những món ăn cần kiêng cử khi điều trị viêm mũi dị ứng. Nguyên nhân là do gia vị cay, nóng khiến dịch tiết hô hấp sản sinh ra nhiều hơn so với bình thường. Đồng thời gây kích thích cổ họng, tăng triệu chứng ho khan, ho có đờm và làm chậm tốc độ phục hồi của cơ quan tổn thương.
- Thực phẩm khó tiêu hóa: Trong thời gian bị viêm mũi dị ứng, hệ tiêu hóa thường hoạt động kém. Do đó, bệnh nhân nên dùng các món ăn mềm, lỏng và ít gia vị để tránh kích thích lên dạ dày, đường ruột. Bên cạnh đó, nên hạn chế sử dụng các thực phẩm khó tiêu như xúc xích, thịt xông khói, pate, đồ hộp,…
Một số lưu ý khi ăn uống cho bệnh nhân viêm mũi dị ứng
Ngoài vấn đề Bị viêm mũi dị ứng nên ăn gì, kiêng gì, bệnh nhân cũng nên lưu ý một số nguyên tắc khi ăn uống:
- Cần ăn chín uống sôi, hạn chế sử dụng các món ăn tái, sống trong thời gian dài.
- Trong trường hợp vị giác giảm, chán ăn và ăn uống kém, nên thêm các loại gia vị tự nhiên như quế, thì là, bạc hà, nghệ, gừng,… vào các món ăn để kích thích vị giác.
- Nếu thường bị đầy hơi, chướng bụng, nên chia nhỏ bữa ăn và dùng các món mềm, lỏng để giảm áp lực lên cơ quan tiêu hóa.
- Sử dụng thực phẩm tươi, có nguồn gốc và xuất xứ rõ ràng để đảm bảo giá trị dinh dưỡng. Không nên dùng thực phẩm sấy khô và thực phẩm chế biến sẵn.
- Cố gắng ăn đủ bữa, đúng giờ trong thời gian điều trị. Tình trạng nhịn ăn, bỏ bữa có thể khiến thể trạng suy nhược, bệnh tiến triển dai dẳng và nghiêm trọng hơn.
- Ngoài chế độ ăn uống, nên sinh hoạt lành mạnh và nghỉ ngơi hợp lý để hỗ trợ quá trình điều trị. Bên cạnh đó, nên tuân thủ các phương pháp y tế được bác sĩ chỉ định nhằm kiểm soát bệnh trong thời gian sớm nhất.
Trên đây là những thông tin giải đáp “Bị viêm mũi dị ứng nên ăn gì, kiêng gì?” để hỗ trợ quá trình điều trị. Hy vọng qua bài viết, bệnh nhân có thể xây dựng chế độ ăn uống phù hợp nhằm kiểm soát triệu chứng và quản lý bệnh thành công.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!