Viêm mũi dị ứng khi mang thai: Cách phòng và chữa trị an toàn
Viêm mũi dị ứng khi mang thai là bệnh hô hấp tương đối lành tính. Tuy nhiên nếu không điều trị sớm, bệnh có thể chuyển biến nặng gây ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của mẹ và gián tiếp tác động đến sự phát triển của thai nhi.
Viêm mũi dị ứng khi mang thai và thông tin cần biết
Viêm mũi dị ứng là một trong những bệnh lý có cơ chế dị ứng thường gặp. Bệnh xảy ra khi niêm mạc mũi bị phù nề do dị ứng với các tác nhân ngoại sinh như phấn hoa, hóa chất, mạt bụi, nấm mốc, khói thuốc, lông súc vật,…
Khi tiếp xúc với dị nguyên, hệ miễn dịch đối kháng bằng cách sản sinh kháng thể IgE, hoạt hóa các tế bào miễn dịch và phóng thích một số chất gây trung gian hóa học vào niêm mạc hô hấp. Kết quả là gây phù nề và tăng tiết dịch hô hấp. Tuy nhiên, phản ứng thái quá kể trên chỉ xảy ra ở một số người có cơ địa dị ứng. Ở những người có cơ địa bình thường, hệ miễn dịch gần như không có phản ứng với các tác nhân ngoại sinh.
Triệu chứng của viêm mũi dị ứng thường bùng phát sau khi tiếp xúc với dị nguyên vài giây đến vài phút. Tuy nhiên, nguy cơ bùng phát bệnh cũng tăng lên khi có những yếu tố thuận lợi như hệ miễn dịch suy giảm và thay đổi nội tiết tố.
Thống kê cho thấy, viêm mũi dị ứng và các bệnh lý liên quan đến cơ địa bùng phát mạnh trong thời gian mang thai do sự thay đổi đột ngột của các hormone. Ngoài ra, những thay đổi sinh lý trong thai kỳ cũng là điều kiện để bệnh tiến triển dai dẳng và tái phát thường xuyên. Dù không đe dọa trực tiếp đến sức khỏe nhưng viêm mũi dị ứng khiến mẹ bầu gặp không ít phiền toái trong cuộc sống. Do đó, thai phụ cần phát hiện bệnh sớm để có các phương án điều trị và chăm sóc phù hợp.
Dấu hiệu nhận biết viêm mũi dị ứng khi mang thai
Ngay sau khi tiếp xúc với dị nguyên, bà bầu có thể gặp phải các triệu chứng điển hình của viêm mũi dị ứng như:
- Ngứa mũi, hắt hơi liên tục
- Chảy nước mũi, dịch mũi có màu trong suốt, lỏng và có xu hướng chảy ngược về phía sau thành họng
- Nghẹt mũi, mũi đỏ ứng do xì mũi thường xuyên
- Một số người còn bị ngứa cổ họng, đỏ mắt, chảy nước mắt và ngứa ngáy da
- Có cảm giác đau nhức xung quanh vùng mũi, xoang
- Thường xuyên thở bằng miệng – nhất là khi ngủ
- Ho khan
- Có thể gây khàn tiếng
Các triệu chứng của viêm mũi dị ứng thường bùng phát sau khi tiếp xúc với dị nguyên chỉ khoảng vài phút. Triệu chứng có thể tiến triển trong vài tuần nhưng cũng có thể kéo dài dai dẳng trong suốt thời gian mang thai.
Nguyên nhân gây viêm mũi dị ứng ở bà bầu
Viêm mũi dị ứng là bệnh viêm đường hô hấp có liên quan đến yếu tố miễn dịch, trong đó có vai trò chính của thể địa dị ứng. Tương tự như các bệnh cơ địa khác, viêm mũi dị ứng chỉ bùng phát khi có yếu tố kích thích (dị nguyên).
Một số nguyên nhân gây viêm mũi dị ứng khi mang thai:
- Cơ địa dị ứng: Cơ địa dị ứng là yếu tố chính trong cơ chế bệnh sinh của viêm mũi dị ứng. Đây chính là yếu tố khiến hệ miễn dịch phản ứng bất thường khi tiếp xúc với các tác nhân ngoại sinh. Cơ địa dị ứng được quy định bởi gen nên gần như không thể điều trị dứt điểm và có khả năng di truyền cao.
- Dị nguyên: Dị nguyên là những yếu tố dị ứng có thể kích thích triệu chứng của viêm mũi dị ứng bùng phát. Các dị nguyên thường gặp bao gồm phấn hoa, mạt bụi, bọ chét, lông chó mèo, nấm mốc,… Ngoài ra, bệnh cũng có thể bùng phát do một số dị nguyên ít gặp hơn như thuốc kháng sinh, sữa, trứng và hải sản.
- Rối loạn nội tiết: Trong thời gian mang thai, nồng độ hormone prolactin, estrogen và progesterone có sự thay đổi đáng kể. Đây là điều kiện thuận lợi để kích thích các phản ứng quá mẫn của cơ thể bùng phát. Bên cạnh đó, rối loạn nội tiết còn là yếu tố khiến viêm mũi dị ứng tiến triển dai dẳng và kéo dài.
- Suy giảm miễn dịch: Ở 3 tháng đầu thai kỳ, hormone progesterone tăng lên đáng kể với mục đích giữ phôi thai trong tử cung và ức chế hệ miễn dịch của mẹ bầu. Bởi phôi thai được xem như “vật thể lạ” nên cơ thể mẹ thường có xu hướng sản sinh kháng thể để đối kháng. Vì vậy trong thời gian đầu thai kỳ, hormone progesterone khiến hệ miễn dịch suy giảm để cơ thể “tiếp nhận” phôi thai. Chức năng đề kháng giảm cũng chính là điều kiện thuận lợi để viêm mũi dị ứng bùng phát.
- Một số yếu tố khác: Nguy cơ bùng phát viêm mũi dị ứng khi mang thai có thể tăng lên nếu có những yếu tố như căng thẳng, sinh sống trong môi trường ô nhiễm, thời tiết thay đổi đột ngột,…
Mẹ bầu bị viêm mũi dị ứng có ảnh hưởng đến thai nhi không?
Viêm mũi dị ứng là bệnh hô hấp thường gặp. Bệnh lý này tương đối lành tính và hầu như không đe dọa trực tiếp đến sức khỏe. Tuy nhiên, các triệu chứng của bệnh thường tiến triển dai dẳng trong vài tuần đến vài tháng, đặc biệt là bùng phát nhiều vào ban đêm ảnh hưởng đến giấc ngủ và tâm lý của thai phụ.
Nếu không điều trị, bệnh có thể tiến triển theo chiều hướng tiêu cực. Về lâu dài có thể làm giảm sức khỏe của mẹ bầu và gián tiếp tác động đến sự phát triển của thai nhi.
Các biến chứng và ảnh hưởng nặng nề do viêm mũi dị ứng ở bà bầu gây ra:
- Sức khỏe mẹ bầu suy giảm, sụt cân, xanh xao, mệt mỏi
- Tăng nguy cơ mắc các bệnh hô hấp và răng miệng
- Giảm cung cấp oxy khi ngủ khiến thai nhi chậm phát triển, nhẹ cân
- Hắt hơi liên tục có thể kích thích cơn gò tử cung dẫn đến dọa sảy thai và sinh non
Có thể thấy, viêm mũi dị ứng không trực tiếp ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi. Tuy nhiên nếu không can thiệp điều trị kịp thời, thai nhi có thể gặp phải một số vấn đề như chậm phát triển, nhẹ cân, dọa sảy thai và sinh non. Do đó ngay khi nhận thấy triệu chứng bất thường, thai phụ cần tìm gặp bác sĩ để được thăm khám và tư vấn các phương pháp điều trị phù hợp.
Cách chữa viêm mũi dị ứng an toàn cho bà bầu
Phụ nữ mang thai là đối tượng nhạy cảm nên dễ gặp phải tác dụng phụ và biến chứng khi sử dụng thuốc. Do đó, lựa chọn ưu tiên khi điều trị viêm mũi dị ứng cho bà bầu là cách ly với dị nguyên và áp dụng một số mẹo dân gian an toàn. Trong trường hợp cần thiết, mẹ bầu cũng có thể sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ.
1. Tránh tiếp xúc với dị nguyên
Hạn chế tiếp xúc với dị nguyên là biện pháp quan trọng nhất trong điều trị viêm mũi dị ứng và các bệnh cơ địa khác (viêm da dị ứng, hen phế quản, viêm kết mạc dị ứng,…). Biện pháp này giúp giảm mức độ và tần suất triệu chứng đáng kể. Ngoài ra, cách ly với dị nguyên còn giúp phòng ngừa bệnh tái phát.
Mẹ bầu bị viêm mũi dị ứng nên hạn chế tiếp xúc với các dị nguyên sau:
- Phấn hoa là dị nguyên thường gặp nhất đối với bệnh viêm mũi dị ứng. Do đó, nên tránh trồng hoa xung quanh nhà và đóng kín cửa sổ vào mùa phấn hoa.
- Đeo khẩu trang, mặc quần áo dài tay và giữ ấm cổ khi di chuyển ngoài trời – đặc biệt là vào mùa lạnh và mùa có nhiều phấn hoa. Sau khi sử dụng, nên giặt khẩu trang hằng ngày để tránh phấn hoa xâm nhập vào niêm mạc mũi và kích thích các triệu chứng của bệnh bùng phát.
- Vệ sinh nhà cửa thường xuyên để giảm bụi, ngăn sự phát triển của nấm mốc và các loài bọ chét. Ngoài ra, cần hạn chế nuôi thú cưng nếu bị hen suyễn và viêm mũi dị ứng.
- Trong trường hợp bị viêm mũi dị ứng quanh năm (dị nguyên thường có sẵn trong không gian sống như nấm mốc, bụi,…), nên cân nhắc sử dụng thiết bị lọc không khí để giảm chất dị ứng. Ngoài ra, thiết bị lọc không khí còn hỗ trợ giảm sự phát triển của nấm mốc, virus và một số chủng vi khuẩn có hại.
- Rửa sạch tay khi dụi mắt, xì mũi và trước khi ăn để tránh “vô tình” đưa dị nguyên vào cơ thể.
- Triệu chứng của viêm mũi dị ứng có thể trở nặng hơn khi tiếp xúc với một số chất dị ứng khác như thức ăn gây dị ứng, thuốc (thường gặp nhất là kháng sinh và Aspirin), hóa chất, khói thuốc,… Do đó ngoài các dị nguyên trong không khí, mẹ bầu cũng nên tránh tiếp xúc với những chất dị ứng kể trên.
Ngay cả khi bệnh đã thuyên giảm, mẹ bầu vẫn cần hạn chế/ cách ly với các yếu tố dị ứng. Bởi dị nguyên chính là nguyên nhân trực tiếp kích thích viêm mũi dị ứng và các bệnh cơ địa bùng phát.
2. Áp dụng các mẹo dân gian
Trong trường hợp viêm mũi dị ứng nhẹ, mẹ bầu có thể áp dụng một số mẹo dân gian để cải thiện triệu chứng. Hầu hết các mẹo dân gian đều có độ an toàn cao, lành tính nên hoàn toàn không gây ra tác dụng phụ khi áp dụng.
Một số mẹo dân gian chữa viêm mũi dị ứng an toàn với mẹ bầu:
- Xông mũi bằng lá trầu không: Lá trầu không có đặc tính tiêu viêm, giảm ngứa ngáy và sát trùng. Ngoài ra, y học hiện đại cũng nhận thấy, tinh dầu từ thảo dược này có khả năng ức chế virus, nấm, vi khuẩn và hỗ trợ phòng ngừa bội nhiễm. Vì vậy, mẹ bầu có thể dùng 1 nắm lá trầu không sắc với 1.5 lít nước, sau đó dùng xông 1 lần/ ngày. Hơi nước cùng với tinh dầu từ lá trầu có thể len lỏi sâu vào hốc xoang, khoang mũi giúp giảm nghẹt mũi và ngứa mũi rõ rệt.
- Trà gừng mật ong: Nếu thường xuyên khi ho khan, ngứa họng, bà bầu có thể dùng 1 – 2 tách trà gừng mật ong ấm uống hằng ngày. Cả mật ong và gừng đều có tác dụng chống viêm, kháng khuẩn và long đờm. Ngoài ra, tinh dầu từ củ gừng còn giúp cầm nôn và giảm nôn mửa trong giai đoạn ốm nghén.
- Sử dụng hành tây tươi: Mẹ bầu có thể đặt 1 củ hành tây tươi vào ly nước (nên chọn ly nước có đường kính bằng đường kính củ hành) và đặt ở góc phòng. Các hoạt chất tự nhiên trong củ hành có khả năng tiêu diệt nấm, hại khuẩn và làm giảm số lượng dị nguyên trong không khí đáng kể.
- Massage vùng mũi: Nếu thường xuyên bị đau nhức và nặng ở vùng mũi – xoang, mẹ bầu có thể cải thiện bằng cách massage nhẹ nhàng ở hai bên cánh mũi. Để giảm nghẹt mũi và làm thông đường thở, nên kết hợp thêm với tinh dầu nóng (bạc hà, gừng, quế,…).
Ngoài các mẹo dân gian kể trên, bà bầu cũng có thể giảm triệu chứng của viêm mũi dị ứng bằng một số biện pháp chăm sóc như vệ sinh mũi bằng nước muối, uống nhiều nước, kê cao đầu khi ngủ và sử dụng máy tạo độ ẩm.
3. Sử dụng thuốc chữa viêm mũi dị ứng cho bà bầu
Hầu hết các loại thuốc đều có thể gây ra tác dụng phụ đối với phụ nữ mang thai và người đang cho con bú. Do đó, mẹ bầu chỉ nên dùng thuốc khi có chỉ định của bác sĩ. Thực tế, bác sĩ chỉ cân nhắc dùng thuốc trong trường hợp mẹ bầu bị viêm mũi dị ứng nặng, thiếu oxy khi ngủ, hắt hơi nhiều,…
Các loại thuốc chữa viêm mũi dị ứng có thể dùng cho bà bầu:
- Thuốc kháng histamine H1: Thuốc kháng histamine H1 (Fexofenadin, Loratadin, Cetirizin,…) có tác dụng giảm nghẹt mũi, ngứa mũi, sổ mũi, kích thích cổ họng và một số triệu chứng đi kèm. Bác sĩ có thể chỉ định dùng nhóm thuốc này cho bà bầu từ tháng thứ 4 thai kỳ nếu cần thiết. Khi dùng thuốc, mẹ bầu có thể gặp phải tình trạng buồn ngủ, lơ mơ và giảm khả năng tập trung.
- Thuốc nhỏ/ xịt mũi chứa corticoid: Thuốc xịt mũi chứa corticoid (Mometasone, Beclomethasone, Budesonide,…) có tác dụng chống phù nề, giảm nghẹt mũi và ngăn hiện tượng chảy dịch mũi sau. Tuy nhiên, nhóm thuốc này có khả năng hấp thu vào tuần máu và gây ra tác dụng toàn thân. Do đó, thuốc thường được dùng liều thấp trong thời gian ngắn.
- Thuốc xịt mũi chống phù nề: Thuốc xịt mũi chống phù nề chứa các hoạt chất co mạch (Xylometazolin, Oxymetazolin,…) có thể được dùng cho bà bầu trong thời gian ngắn (khoảng 3 ngày). Thuốc có tác dụng giảm phù nề và chống nghẹt mũi hiệu quả. Tuy nhiên với mẹ bầu, nhóm thuốc này chỉ được sử dụng khi không còn lựa chọn nào khác vì nguy cơ cao và nhiều rủi ro tiềm ẩn.
Các loại thuốc chữa viêm mũi dị ứng chỉ được dùng trong thời gian ngắn, chủ yếu là trong giai đoạn bệnh bùng phát mạnh. Khi bệnh thuyên giảm, mẹ bầu nên thay thế bằng các mẹo chữa tự nhiên để hạn chế tác dụng phụ do lạm dụng tân dược quá mức.
Cách phòng ngừa viêm mũi dị ứng khi mang thai
Viêm mũi dị ứng không phải là bệnh lý quá nghiêm trọng. Tuy nhiên dưới tác động của hormone và những thay đổi đột ngột trong thai kỳ, bệnh có xu hướng tiến triển nặng và dai dẳng hơn so với bình thường. Bệnh lý này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, cuộc sống của mẹ mà còn gián tiếp làm gián đoạn sự phát triển của thai nhi.
Do đó, mẹ bầu nên chủ động phòng ngừa viêm mũi dị ứng bằng một số biện pháp đơn giản như:
- Tránh tiếp xúc với dị nguyên (đặc biệt là dị nguyên đã được xác định). Nếu không tìm được dị nguyên cụ thể, mẹ bầu nên tránh tiếp xúc với các chất dị ứng có trong không khí như phấn hoa, nấm mốc, bụi, lông thú nuôi,…
- Vệ sinh nhà cửa thường xuyên và giặt giũ các vật dụng bằng vải định kỳ 1 lần/ tuần như mền, vỏ gối, ga giường,… Với sofa và nệm, nên sử dụng máy hút bụi 1 – 2 lần/ tuần để tránh tạo điều kiện cho bào tử nấm mốc phát triển.
- Sử dụng máy lọc không khí nếu viêm mũi dị ứng tái phát thường xuyên.
- Mẹ bầu nên đeo khẩu trang khi ra ngoài và đến những nơi đông người. Sau khi về nhà, nên súc miệng với nước muối và rửa mũi bằng nước muối sinh lý để tránh dị nguyên xâm nhập.
- Nên hạn chế sử dụng các loại thực phẩm có nguy cơ dị ứng cao như lòng trắng trứng, hải sản, sữa, đậu phộng, mè,…
- Nâng cao sức khỏe bằng cách ăn uống điều độ và ngủ nghỉ hợp lý. Từ tháng thứ 4 trở đi, mẹ bầu nên tập thể dục nhẹ nhàng để cải thiện hệ miễn dịch và hỗ trợ phòng ngừa viêm mũi dị ứng cùng với một số bệnh hô hấp thường gặp khác.
Viêm mũi dị ứng khi mang thai gây ra nhiều phiền toái trong cuộc sống và ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của mẹ bầu, thai nhi. Vì vậy, thai phụ cần chủ động tìm gặp bác sĩ để được thăm khám và tư vấn điều trị. Tránh tình trạng chủ quan khiến bệnh tiến triển nặng hoặc tự ý dùng thuốc dẫn đến nhiều rủi ro, tác dụng không mong muốn.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!