Viêm da cơ địa có nguy hiểm không? Có biến chứng gì?
Viêm da cơ địa là tình trạng viêm da mãn tính và có xu hướng tái phát định kỳ. Một số người bệnh viêm da cơ địa có thể gặp một số vấn đề về thể chất, thay đổi tâm lý hoặc gặp nhiều biến chứng khác.

Viêm da cơ địa có nguy hiểm không?
Viêm da cơ địa là bệnh lý ngoài da không gây nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh. Tuy nhiên, hiện tại không có biện pháp điều trị dứt điểm tình trạng này. Do đó, bệnh thường có xu hướng tái phát thường xuyên dẫn đến việc hình thành sẹo và một số biến chứng khác.
Một số biến chứng của viêm da cơ địa mà người bệnh có thể gặp phải bao gồm:
1. Nhiễm vi khuẩn
Nhiễm trùng da do vi khuẩn là một biến chứng phổ biến của bệnh viêm da cơ địa. Nhiễm khuẩn thường có liên quan đến vi khuẩn tụ cầu hoặc vi khuẩn liên cầu khuẩn.

Nhiễm trùng thường có liên quan đến các vết nứt trên da và do người bệnh gãi ngứa gây tổn thương da. Bên cạnh đó, những người bệnh chàm thể tạng (viêm da cơ địa) thường dễ bị các loại vi khuẩn trên da tấn công và gây nhiễm trùng. Ngoài ra, tình trạng này cũng khiến người bệnh dễ bị mụn nhọt, viêm nang lông và chốc lở.
Mặc dù hiếm khi tình trạng nhiễm trùng do viêm da cơ địa trở nên nghiêm trọng. Tuy nhiên, đôi khi nhiễm khuẩn trên bề mặt da có thể gây nhiễm trùng máu và gây nguy hiểm cho người bệnh, đặc biệt là ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
2. Nhiễm virus
Trong một số trường hợp người bệnh viêm da cơ địa thường có nguy cơ nhiễm virus cao, đặc biệt là Virus Herpes Simplex (gây mụn rộp sinh dục). Virus Herpes có thể lây lan một cách nhanh chóng ở những người bệnh chàm hoặc viêm da cơ địa và dẫn đến nhiễm trùng nghiêm trọng, được gọi là bệnh chàm Herpeticum.
Các triệu chứng phổ biến thường bao gồm sốt cao, khó chịu, nổi mề đay lan rộng và phồng rộp da.
Nhiễm virus trong bệnh chàm có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng, thậm chí là tử vong nếu không được điều trị. Do đó, người bệnh nên đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị phù hợp.
3. Bệnh đỏ da toàn thân
Bệnh đỏ da toàn thân thường là biến chứng của các bệnh ngoài da khác như bệnh chàm, vẩy nến, viêm da cơ địa, thuốc hoặc các khối u ác tính. Đây là một tình trạng ngoài da rất nguy hiểm và có thể gây tử vong.

Một số biến chứng nghiêm trọng có liên quan đến chứng đỏ da toàn thân bao gồm:
- Mất nước
- Suy tim
- Tăng nguy cơ nhiễm trùng
- Hạ thân nhiệt
- Gây suy dinh dưỡng và mất protein
- Phù mạch
4. Gây ảnh hưởng đến mắt
Viêm da cơ địa ở mặt, đặc biệt là khu vực xung quanh mắt có thể dẫn đến một số ảnh hưởng như:
- Viêm da mí mắt: Thường phổ biến ở những người bệnh viêm da cơ địa liên quan đến phản ứng dị ứng hoặc kích thích.
- Nhãn cầu hình nón: Là một tình trạng tương đối hiếm gặp nhưng thường có liên quan đến bệnh viêm da cơ địa. Một số người bệnh có thể bị thoái hóa và suy yếu giác mạc ở phía trước mắt dẫn đến việc đẩy mặt trước của mắt ra ngoài. Điều này dẫn đến tình trạng mắt lồi và rối loạn thị giác.
- Đục thủy tinh thể: Tình trạng này thường xuất hiện ở những người bệnh viêm da cơ địa nghiêm trọng và thường phổ biến ở độ tuổi 15 – 25.
5. Ảnh hưởng đến giấc ngủ
Các cơn ngứa ngáy dữ dội về đêm ở người bệnh viêm da cơ địa thường có thể gây gián đoạn giấc ngủ. Việc thức giấc liên tục có thể gây rối loạn giấc ngủ và mất ngủ. Điều này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người bệnh và các thành viên trong gia đình.
6. Ảnh hưởng đến hành vi và cảm xúc
Cùng với các biến chứng vật lý, chàm thể tạng (viêm da cơ địa) có thể dẫn đến một số hiệu ứng tâm lý cũng như tăng nguy cơ trầm cảm.
Một số trẻ em có thể bị bạn bè xa lánh, trêu chọc, bắt nạt. Điều này có thể làm tổn thương lòng tự trọng của trẻ và dẫn đến một số rối loạn hành vi. Bên cạnh đó trẻ em bị viêm da cơ địa cũng thường dễ thiếu tập trung, hiếu động, thành tích học tập kém và chậm phát triển so với bạn bè đồng trang lứa.

7. Các biến chứng khác
Tăng nguy cơ hen suyễn và viêm mũi dị ứng: Hơn 50% người bệnh viêm da cơ địa, đặc biệt là trẻ em, có thể phát triển thành hen suyễn và viêm mũi dị ứng.
Ngứa da mãn tính: Viêm da cơ địa gây ngứa dữ dội, mãn tính có thể dẫn đến tình trạng viêm da thần kinh. Việc này khiến người bệnh gãi thường xuyên và dẫn đến thay đổi màu da, sạm da hoặc khiến da trở nên dày hơn.
Hình thành sẹo: Việc gãi ngứa thường xuyên có thể gây tổn thương biểu bì da và gây sẹo vĩnh viễn.
Một số lưu ý khi bị viêm da cơ địa
Hiện tại không có biện pháp điều trị dứt điểm viêm da cơ địa. Hầu hết các loại thuốc và liệu pháp điều trị chỉ nhằm mục đích cải thiện các triệu chứng và phòng ngừa bệnh tái phát.

Người bệnh có thể tham khảo một số lời khuyên và biện pháp phòng ngừa viêm da cơ địa như sau:
- Dưỡng ẩm cho da: Sử dụng các loại kem, thuốc mỡ và các sản phẩm dưỡng ẩm da lành tính, có chiết xuất từ thiên nhiên ít nhất 2 lần mỗi ngày. Điều này có thể ngăn ngừa tình trạng khô da và giúp cải thiện các triệu chứng viêm da cơ địa.
- Xác định và tránh các tác nhân gây bệnh: Một số tác nhân có thể khiến tình trạng viêm da cơ địa trở nên nghiêm trọng hơn bao gồm mồ hôi, xà phòng, các chất tẩy rửa, căng thẳng, béo phì, bụi, phấn hoa, lông thú cưng. Cố gắng xác định và tránh xa các nguyên nhân khiến bệnh trở nên nghiêm trọng.
- Tẩy tế bào chết: Thường xuyên tẩy tế bào chết (2 – 3 lần mỗi tuần) có thể loại bỏ vi khuẩn, tế bào da chết và các chất gây hại trên bề mặt da. Điều này có thể hạn chế nhiễm khuẩn các triệu chứng viêm da cơ địa liên quan.
- Tắm đúng cách: Không nên tắm quá lâu, điều này có thể gây mất độ ẩm của da, gây khô và kích ứng da. Mỗi lần tắm chỉ nên kéo dài khoảng 10 – 15 phút. Bên cạnh đó dùng nước ấm hoặc nước mát thay vì nước nóng để tắm.
- Sử dụng xà phòng phù hợp: Chọn các loại xà phòng nhẹ nhàng, có chiết xuất từ thiên nhiên hoặc các chất không gây dị ứng khi tắm hoặc vệ sinh vùng da bệnh. Các loại xà phòng kháng khuẩn có thể làm mất lượng dầu tự nhiên trên da và khiến da bị khô.
- Lau người bằng khăn mềm và sạch: Sau khi tắm vỗ nhẹ cơ thể và làm khô da bằng khăn mềm, sạch. Tránh chà xát gây tổn thương bề mặt da. Thoa kem dưỡng ẩm ngay sau đó để khóa ẩm và tránh khô da.
Bệnh viêm da cơ địa thường không quá nguy hiểm và có thể cải thiện bằng nhiều biện pháp. Do đó, nếu nhận thấy các triệu chứng bệnh, người bệnh nên đến bệnh viện để được hướng dẫn, tư vấn và điều trị phù hợp.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!