Viêm xoang cấp là gì? Biểu hiện, chẩn đoán và điều trị

Bệnh viêm xoang: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị

Viêm xoang sàng (trước, sau): Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị

Mẹo chữa viêm xoang bằng cây hoa ngũ sắc (cứt lợn) siêu hiệu quả

9 Cách chữa viêm xoang tại nhà bằng mẹo dân gian

Viêm xoang bướm: Nguyên nhân, dấu hiệu đặc trưng và điều trị

10 Cây thuốc nam chữa viêm xoang hiệu quả dễ tìm

Bài thuốc Đông y chữa viêm xoang an toàn hiệu quả

Top 9 thuốc trị viêm xoang hiệu quả được đánh giá cao hiện nay

Bệnh viêm xoang cấp có nguy hiểm không? Có chữa khỏi không?

Viêm xoang mãn tính là gì? Chẩn đoán và điều trị thế nào?

Viêm xoang mãn tính là tình trạng viêm xoang tiến triển hơn 8 tuần. Khác với viêm xoang cấp, bệnh ở giai đoạn mãn tính không chỉ xảy ra do nhiễm trùng mà còn có thể bùng phát do dị ứng, polyp mũi, vẹo vách ngăn hoặc do ảnh hưởng của các bệnh hô hấp khác. 

viêm xoang mãn tính là gì
Viêm xoang mãn tính ảnh hưởng nhiều đến người trưởng thành

Viêm xoang mãn tính là gì?

Viêm xoang mãn tính là tình trạng viêm xoang kéo dài từ 8 tuần trở lên. Như đã biết, viêm xoang là hiện tượng các hốc xoang xung quanh mũi bị sưng viêm gây gián đoạn quá trình dẫn lưu dịch và hệ quả là tích tụ dịch tiết bên trong các cơ quan hô hấp. Bệnh đặc trưng bởi tình trạng nghẹt mũi, sổ mũi, đau nhức vùng mặt, hố mắt, sưng mũi, giảm khứu giác và ho – đặc biệt là ho nhiều vào ban đêm.

Khác với viêm xoang cấp, viêm xoang mãn tính không chỉ bùng phát do viêm nhiễm mà còn khởi phát do nhiều nguyên nhân không nhiễm trùng như dị ứng, poly mũi, vẹo vách ngăn, ảnh hưởng của các bệnh hô hấp mãn tính, trào ngược dạ dày thực quản,…

Viêm xoang mãn tính là bệnh hô hấp khá phổ biến ở người trưởng thành. Bệnh lý này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn tác động nặng nề đến đời sống sinh hoạt, giấc ngủ, hiệu suất học tập – lao động. Chính vì vậy, bệnh nhân cần chủ động thăm khám và tiến hành điều trị sớm để ngăn ngừa biến chứng và giảm ảnh hưởng của bệnh lên chất lượng cuộc sống.

Nguyên nhân gây viêm xoang mãn tính

Hiện tượng sưng viêm các mô xoang kéo dài hơn 8 tuần được cho là có liên quan đến những nguyên nhân sau:

1. Ảnh hưởng của các bệnh hô hấp khác

Các cơ quan hô hấp – đặc biệt là tai, mũi, họng có mối liên hệ mật thiết với nhau. Nhiễm trùng ở một cơ quan không được kiểm soát triệt để có thể lây lan sang những cơ quan còn lại. Do đó ở một số trường hợp, viêm xoang mãn tính có thể xảy ra do viêm mũi, viêm amidan, viêm VA và viêm họng mãn tính không được điều trị triệt để.

nguyên nhân gây viêm xoang mãn tính
Viêm xoang mãn tính có thể là hệ quả do viêm họng, viêm amidan,… không được điều trị triệt để

Thực tế cho thấy, đa phần các trường hợp bị viêm xoang mãn tính thường đi kèm với các bệnh hô hấp khác như viêm họng mãn tính, viêm thanh/ khí phế quản mãn tính và viêm mũi mãn tính. Điều này có thể khẳng định mối liên hệ mật thiết giữa các cơ quan hô hấp.

2. Dị ứng quanh năm

Ngoài viêm nhiễm, viêm xoang còn có thể xảy ra do dị ứng. Khi các chất dị ứng (phấn hoa, nấm mốc, côn trùng, bụi, hóa chất,…) xâm nhập vào cơ thể, hệ miễn dịch sẽ phản ứng lại bằng cách tăng kháng nguyên (IgE) và giải phóng histamine vào niêm mạc hô hấp. Kết quả là mô xoang và niêm mạc mũi bị sưng viêm, dẫn đến ứ đọng dịch và gây ra các triệu chứng như nghẹt mũi, sưng mũi, chảy nước mũi,…

nguyên nhân gây viêm xoang mãn tính
Viêm xoang mãn tính còn có thể xảy ra do dị ứng kéo dài

Vì vậy, bệnh viêm xoang mãn tính cũng có thể xảy ra do dị ứng quanh năm. Phản ứng dị ứng kéo dài khiến mô xoang bị sưng viêm dai dẳng hơn 8 tuần. Viêm xoang mãn tính do dị ứng xảy ra chủ yếu ở người có cơ địa nhạy cảm và tính chất công việc phải thường xuyên tiếp xúc với những yếu tố dị ứng, kích ứng (bụi vải, hóa chất, phấn hoa,…).

3. Các yếu tố làm gián đoạn lưu thông mũi – xoang

Ngoài những nguyên nhân trên, viêm xoang mãn tính còn có thể xảy ra do gián đoạn lưu thông mũi – xoang. Tình trạng này khiến dịch tiết hô hấp bị ứ đọng trong các hốc xoang, hệ quả là khiến mô xoang bị kích thích và sưng viêm bất thường.

nguyên nhân gây viêm xoang mãn tính
Vẹo vách ngăn mũi là một trong những nguyên nhân gây viêm xoang mãn tính

Gián đoạn lưu thông mũi – xoang thường bắt nguồn từ 1 trong 2 vấn đề sau:

  • Vẹo vách ngăn: Vách ngăn là cơ quan chia đôi phần hốc mũi với độ dài khoảng 8cm. Vẹo vách ngăn là tình trạng khá phổ biến, xảy ra chủ yếu do dị tật bẩm sinh. Hình dáng vách ngăn bất thường khiến lưu thông mũi – xoang bị gián đoạn, tạo điều kiện cho dịch tiết ứ đọng dẫn đến các bệnh lý hô hấp như viêm mũi, viêm xoang,… Về lâu dài, bệnh làm giảm khứu giác và ảnh hưởng đến hoạt động của não bộ.
  • Polyp mũi: Polyp mũi là tình trạng tăng sản mô mũi lành tính. Polyp thường có hình quả lê, hình tròn hoặc hình bán nguyệt, nhẵn và thường không gây đau. Tuy nhiên, sự xuất hiện của khối polyp có thể cản trở quá trình lưu thông mũi – xoang dẫn đến viêm mũi, viêm xoang mãn tính và làm nghiêm trọng các triệu chứng của bệnh hen phế quản.

4. Chấn thương vùng mặt

Trong một số ít trường hợp, viêm xoang mãn tính có thể xảy ra do chấn thương vùng mặt. Chấn thương khiến mô xoang bị sưng viêm hoặc thậm chí là chảy máu. Thông thường, tình trạng này có thể tự thuyên giảm sau khi chấn thương lành hoàn toàn. Tuy nhiên đối với những trường hợp chấn thương nặng, mô xoang có thể bị sưng viêm lâu ngày.

5. Ảnh hưởng của vấn đề sức khỏe tiềm ẩn

Ngoài các bệnh hô hấp, viêm xoang mãn tính còn có thể là hệ quả của một số vấn đề sức khỏe tiềm ẩn như:

  • Trào ngược dạ dày (GERD)
  • Nhiễm HIV
  • Bệnh mô sợi đa xoang
  • Người có chức năng miễn dịch kém hoặc mắc các bệnh tự miễn

Ngoài ra, nguy cơ mắc bệnh viêm xoang nói chung và viêm xoang mãn tính có thể tăng lên khi có những yếu tố thuận lợi như:

  • Giải phẫu mũi bất thường
  • Tiền sử nổi mề đay, bùng phát cơn hen cấp khi sử dụng Aspirin và các loại thuốc chống viêm không steroid (NSAID) khác
  • Sinh sống trong điều kiện không khí kém, ô nhiễm
  • Thường xuyên mắc các bệnh viêm nhiễm đường hô hấp
  • Có thói quen hút thuốc lá và sử dụng rượu bia trong nhiều năm

Triệu chứng của bệnh viêm xoang mãn tính

Viêm xoang mãn tính bùng phát triệu chứng chậm, âm ỉ và có xu hướng tái đi tái lại nhiều lần. Tuy nhiên ở một số thời điểm, các đợt viêm xoang cấp có thể bùng phát trong thời gian bị viêm xoang mãn.

Viêm xoang mãn tính triệu chứng
Viêm xoang mãn tính đặc trưng bởi tình trạng nhức đầu, đau hốc mắt, sổ mũi, nghẹt mũi, ho,…

Một số triệu chứng nhận biết bệnh viêm xoang mãn tính:

  • Chảy dịch xuống thành sau họng và sổ mũi thường xuyên
  • Dịch mũi có màu vàng hoặc hơi xanh, ít khi có màu trong suốt như trong giai đoạn cấp
  • Nghẹt mũi, khó thở bằng mũi
  • Giảm khả năng khứu giác
  • Đau nhức răng ở hàm trên
  • Hốc mắt, má, trán và mũi bị đau nhức
  • Ho dai dẳng – đặc biệt là vào ban đêm
  • Đôi khi đi kèm với một số triệu chứng khác như buồn nôn, viêm họng, đau tai, mệt mỏi, khó chịu và hơi thở có mùi hôi

Viêm xoang mãn tính có đặc tính dai dẳng, âm ỉ và dễ tái phát. Trong thời gian mắc bệnh, các đợt viêm xoang cấp cũng có thể bùng phát khi có những yếu tố thuận lợi (thời tiết thay đổi, tiếp xúc với người mắc các bệnh viêm đường hô hấp,…). Triệu chứng của viêm xoang cấp tương tự như viêm xoang mãn tính nhưng có mức độ nặng, diễn tiến nhanh, bùng phát đột ngột và thường gây sốt nhẹ đến sốt cao.

Viêm xoang mãn tính có nguy hiểm không?

Viêm xoang mãn tính là bệnh hô hấp tương đối phổ biến ở người trưởng thành. Mặc dù ít khi đe dọa đến tính mạng nhưng viêm xoang kéo dài dai dẳng ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Nếu không điều trị sớm, bệnh nhân có thể gặp phải các biến chứng như:

Viêm xoang mãn tính triệu chứng
Viêm xoang mãn tính ảnh hưởng nhiều đến giấc ngủ, sinh hoạt, hiệu suất lao động,… của bệnh nhân
  • Bùng phát cơn hen cấp: Tình trạng mô xoang bị viêm mãn tính khiến dịch tiết hô hấp bị ứ đọng và kích thích cơn hen cấp bùng phát – đặc biệt là ở người có cơ địa nhạy cảm.
  • Giảm thị lực: Mô xoang là cơ quan nằm xung quanh mũi, trán và mắt. Tình trạng viêm toàn bộ tổ chức xoang có thể ảnh hưởng đến thị lực và gây đau vùng hốc mắt. Dù không phổ biến nhưng đã có trường hợp bị mù do tác nhân gây nhiễm trùng tấn công vào ổ mắt.
  • Giảm chất lượng cuộc sống: Các triệu chứng của bệnh viêm xoang bùng phát mạnh vào ban đêm ảnh hưởng không nhỏ đến giấc ngủ, hiệu suất học tập và lao động. Hơn nữa, bệnh lý này có tính chất dai dẳng, âm ỉ và tái đi tái lại nhiều lần. Nếu không kiểm soát, viêm xoang mãn tính có thể tác động nặng nề đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.
  • Các biến chứng khác: Ngoài ra, viêm xoang mãn tính còn gây ra một số biến chứng khác như viêm màng não, phình động mạch, hình thành cục máu đông, tăng nguy cơ mắc các bệnh hô hấp khác.

Chẩn đoán bệnh viêm xoang mãn tính

Viêm xoang mãn tính có thể bị nhầm lẫn với một số bệnh ở đường hô hấp khác như viêm mũi, viêm tai, polyp mũi,… Do đó, bệnh nhân cần tiến hành thăm khám trước khi điều trị. Ngoài ra, chẩn đoán viêm xoang mãn tính còn giúp đánh giá mức độ viêm và nguyên nhân gây bệnh.

Các kỹ thuật chẩn đoán bệnh viêm xoang mãn tính:

  • Nội soi mũi: Nội soi mũi sử dụng ống nội soi chuyên dụng đưa vào mũi nhằm quan sát rõ tình trạng niêm mạc mũi và xoang. Qua đó bác sĩ có thể đánh giá mức độ viêm sưng của tổ chức xoang và phát hiện polyp mũi, vẹo vách ngăn,… (nếu có).
  • Xét nghiệm hình ảnh: Bên cạnh nội soi mũi, bác sĩ cũng có thể yêu cầu chụp CT hoặc MRI để quan sát chi tiết xoang mũi và các khu vực lân cận. Xét nghiệm hình ảnh giúp bác sĩ phát hiện các bất thường trong giải phẫu cấu trúc mũi – xoang và đưa ra phương án điều trị phù hợp.
  • Test dị ứng: Nếu nghi ngờ viêm xoang mãn tính xảy ra do dị ứng, bác sĩ có thể yêu cầu test dị ứng. Kỹ thuật này được thực hiện bằng cách tiêm chất dị ứng lên vùng da nhỏ và quan sát phản ứng của da. Nếu bị dị ứng, vùng da test sẽ phản ứng lại bằng cách nổi mề đay, phát ban và ngứa ngáy.
  • Xét nghiệm máu: Xét nghiệm máu ít khi được chỉ định trong chẩn đoán viêm xoang mãn tính. Tuy nhiên, kỹ thuật này có thể được thực hiện nếu nghi ngờ viêm xoang xảy ra do nhiễm khuẩn hoặc do ảnh hưởng của các bệnh tự miễn.

Các phương pháp điều bệnh viêm xoang mãn tính

Có thể thấy, viêm xoang mãn tính tác động nặng nề đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Do đó ngay sau khi chẩn đoán, bệnh nhân nên can thiệp các phương pháp điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ.

Mục tiêu của điều trị viêm xoang là giảm hiện tượng viêm ở tổ chức xoang, đảm bảo quá trình dẫn lưu dịch, cải thiện triệu chứng, loại bỏ nguyên nhân và giảm các đợt viêm xoang bùng phát. Tùy theo tình trạng và mức độ đáp ứng của từng bệnh nhân, bác sĩ có thể chỉ định một trong những phương pháp điều trị sau:

1. Sử dụng thuốc (toàn thân + tại chỗ)

Sử dụng thuốc là phương pháp điều trị viêm xoang mãn tính được áp dụng phổ biến. Phương pháp này có tác dụng giảm triệu chứng, cải thiện hiện tượng viêm ở mô xoang và điều trị – dự phòng hiện tượng bội nhiễm.

Viêm xoang mãn tính triệu chứng
Sử dụng thuốc giúp giảm nhanh các triệu chứng của bệnh viêm xoang mãn tính

Các loại thuốc được sử dụng trong điều trị viêm xoang mãn tính bao gồm:

  • Thuốc xịt mũi chứa steroid: Thuốc xịt mũi chứa steroid (Mometasone, Budesonide, Fluticasone, Beclomethasone,…) được sử dụng khá phổ biến trong điều trị bệnh viêm xoang và viêm mũi dị ứng. Tác dụng chính của thuốc là làm giảm hiện tượng viêm ở niêm mạc mũi, từ đó cải thiện tình trạng nghẹt mũi và hỗ trợ loại bỏ dịch tiết hô hấp ứ đọng trong các hốc xoang.
  • Corticoid đường uống: Corticoid đường uống ít khi được chỉ định cho bệnh nhân bị viêm xoang mãn tính do rủi ro và nguy cơ cao. Tuy nhiên, nhóm thuốc này cũng có thể được dùng khi xoang và niêm mạc mũi bị sưng viêm nghiêm trọng – đặc biệt là trong trường hợp có polyp mũi. Corticoid dường uống (Methylprednisolone, Prednisone,…) thường được dùng theo từng đợt ngắn ngày để tránh các rủi ro và tác dụng không mong muốn.
  • Thuốc xịt mũi co mạch: Thuốc xịt mũi co mạch (chống phù nề) thường chứa các hoạt chất như Oxymetazoline, Phenylephrine,… Thuốc có tác dụng chính là co mạch máu, từ đó giảm hiện tượng phù nề và sưng viêm ở niêm mạc mũi, xoang. Loại thuốc này mang lại hiệu quả cao trong việc làm thông mũi, cải thiện tình trạng nghẹt mũi và sưng mũi. Tuy nhiên, thuốc xịt mũi co mạch gây ra không ít tác dụng phụ nếu lạm dụng quá mức.
  • Kháng sinh: Kháng sinh được dùng khi viêm xoang mãn tính xảy ra do vi khuẩn hoặc viêm xoang bội nhiễm. Tùy theo chủng vi khuẩn gây nhiễm trùng và khả năng đáp ứng của từng bệnh nhân, bác sĩ có thể chỉ định dùng Doxycycline, Amoxicillin hoặc kháng sinh kết hợp Trimethoprim – Sulfamethoxazole. Kháng sinh thường được dùng liên tục trong 7 – 10 ngày hoặc hơn để tiêu diệt hoàn toàn vi khuẩn, đồng thời hạn chế tình trạng kháng kháng sinh và tái nhiễm.
  • Thuốc kháng histamine H1: Thuốc kháng histamine 1 được sử dụng trong trường hợp viêm xoang mãn tính xảy ra do dị ứng. Thuốc có tác dụng ức chế chọn lọc histamine ở thụ thể H1. Qua đó làm giảm các triệu chứng của bệnh như hắt hơi, sổ mũi, nghẹt mũi và cải thiện mức độ sưng viêm ở mô xoang đáng kể.

Sử dụng thuốc giúp giảm nhanh các triệu chứng của bệnh viêm xoang mãn tính. Tuy nhiên, dùng thuốc không đúng cách có thể gây ra nhiều rủi ro và tác dụng ngoại ý. Chính vì vậy, bệnh nhân chỉ sử dụng thuốc khi có toa của bác sĩ và cần tuân thủ tuyệt đối về liều lượng, thời gian sử dụng.

2. Mẹo cải thiện tại nhà

Viêm xoang mãn tính là bệnh lý có tính chất dai dẳng và kéo dài. Các triệu chứng của bệnh có thể tiến triển trong nhiều tuần đến nhiều tháng và tái đi tái lại nhiều lần, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe và cuộc sống của bệnh nhân.

Tuy nhiên, nếu sử dụng thuốc dài hạn, bệnh nhân có thể gặp phải các tác dụng không mong muốn. Do đó bên cạnh các phương pháp y tế, nên thực hiện song song với các mẹo cải thiện tại nhà như:

viêm xoang mạn tính điều trị
Song song với sử dụng thuốc, bệnh nhân nên áp dụng các biện pháp hỗ trợ để giảm nhẹ triệu chứng
  • Rửa mũi bằng nước muối sinh lý: Nước muối sinh lý có tác dụng làm dịu niêm mạc, hỗ trợ làm loãng dịch tiết và loại bỏ dị nguyên trong khoang mũi, hốc xoang. Vì vậy, bệnh nhân nên dùng nước muối sinh lý rửa mũi nhiều lần trong ngày để cải thiện các triệu chứng của bệnh bên cạnh sử dụng thuốc.
  • Xông mũi bằng thảo dược: Bên cạnh rửa mũi, bệnh nhân nên xông mũi 2 – 3 lần/ tuần bằng các loại thảo dược tự nhiên như gừng, sả, lá trầu không, tinh dầu tràm trà,… Biện pháp này giúp làm lỏng dịch tiết và tăng cường hoạt động dẫn lưu dịch. Xông mũi thường xuyên giúp giảm tình trạng nghẹt mũi, sổ mũi, đồng thời tránh hiện tượng dịch ứ đọng gây bội nhiễm.
  • Súc miệng với nước muối: Viêm xoang khiến dịch tiết chảy ngược xuống thành sau họng. Tình trạng này khiến cho cổ họng ngứa ngáy, khó chịu hoặc thậm chí là viêm nhiễm. Do đó ngoài các biện pháp trên, bệnh nhân nên súc miệng với nước muối ấm vài lần/ ngày để loại bỏ dịch đờm và ngăn chặn sự phát triển quá mức của vi khuẩn trong khoang miệng.

Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng có thể giảm nhẹ triệu chứng của bệnh bằng một số biện pháp chăm sóc như:

  • Sử dụng gối cao khi ngủ để dịch tiết hô hấp dễ dàng lưu thông, tránh tình trạng tắc nghẽn trong các mô xoang gây nghẹt mũi, đau nhức và nặng vùng mặt.
  • Chườm khăn ấm ở vùng mũi để thúc đẩy dẫn lưu dịch, từ đó giảm nhanh cảm giác nghẹt mũi, khó chịu và đau nhức xung quanh hốc mắt.
  • Dành thời gian nghỉ ngơi trong thời gian bệnh bùng phát mạnh.
  • Cố gắng uống nhiều nước để làm loãng dịch tiết, tạo điều kiện để loại bỏ dịch ứ đọng trong hốc xoang và khoang mũi.
  • Ưu tiên sử dụng các món ăn có kết cấu mềm, lỏng, giàu vitamin và dinh dưỡng. Tránh sử dụng rượu bia, cà phê, thực phẩm chứa nhiều đường và chất béo bão hòa trong thời gian điều trị.

Ngoài các mẹo kể trên, bệnh nhân cũng có thể tận dụng một số nguyên liệu tự nhiên như mật ong, tỏi, ngải cứu,… để cải thiện các triệu chứng của bệnh viêm xoang mãn tính. Tuy nhiên cần lưu ý, các biện pháp này chỉ có tác dụng hỗ trợ, hoàn toàn không thể thay thế cho các phương pháp y tế.

3. Các biện pháp điều trị khác

Bên cạnh sử dụng thuốc, bệnh nhân bị viêm xoang mãn tính cũng có thể can thiệp một số phương pháp điều trị khác như:

viêm xoang mạn tính điều trị
Phẫu thuật được cân nhắc khi viêm xoang mãn tính xảy ra do vẹo vách ngăn và polyp mũi
  • Liệu pháp giải mẫn cảm: Giải mẫn cảm là phương pháp cho bệnh nhân tiếp xúc với dị nguyên (thường tăng dần liều lượng) trong một thời gian dài dưới sự kiểm soát của nhân viên y tế. Phương pháp này được cân nhắc khi viêm xoang mãn tính liên quan đến tình trạng dị ứng quanh năm.
  • Phẫu thuật: Phẫu thuật được chỉ định khi viêm xoang mãn tính có liên quan đến vẹo vách ngăn và polyp xoang. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể yêu cầu can thiệp phẫu thuật để loại bỏ mô xoang bị sưng nề, tăng sản nhằm bình thường hóa hoạt động dẫn lưu dịch.

Phòng ngừa bệnh viêm xoang mãn tính

Viêm xoang mãn tính là bệnh lý có khả năng tái phát cao – đặc biệt là trong giai đoạn chuyển mùa và thời tiết lạnh, khô hanh. Do đó song song với các phương pháp điều trị, bệnh nhân cần xây dựng lối sống khoa học và chủ động thực hiện một số biện pháp nhằm ngăn ngừa bệnh tái phát.

viêm xoang mạn tính điều trị
Tránh tiếp xúc với dị nguyên là biện pháp phòng ngừa viêm xoang tái phát hiệu quả

Các biện pháp phòng ngừa viêm xoang mãn tính tái phát:

  • Vào giai đoạn chuyển mùa, mùa lạnh, nên giữ ấm cơ thể và đeo khẩu trang khi di chuyển ngoài trời để hạn chế tiếp xúc với phấn hoa, nấm mốc, bụi bẩn, hóa chất,…
  • Cân nhắc thay đổi công việc nếu viêm xoang mãn tính có liên quan đến tính chất nghề nghiệp (thường xuyên phải tiếp xúc với hóa chất, sơn, bụi vải,…).
  • Hạn chế di chuyển đến những nơi đông người như bệnh viện, nhà ga, bến xe, sân bay, siêu thị,… trong giai đoạn có dịch viêm đường hô hấp.
  • Vệ sinh tay bằng xà phòng sau khi tiếp xúc với các vật dụng công cộng và rửa tay trước khi ăn để tránh “vô tình” đưa virus, vi khuẩn vào cơ thể.
  • Cai thuốc lá và hạn chế hít khói thuốc lá thụ động.
  • Vệ sinh nhà cửa thường xuyên, trồng nhiều cây xanh và sử dụng thiết bị hỗ trợ để nâng cao chất lượng không khí, đồng thời loại bỏ bụi bẩn, nấm mốc và các chất dị ứng,… có trong không gian sống.
  • Khi thời tiết chuyển lạnh, nên sử dụng máy tạo độ ẩm để làm dịu niêm mạc hô hấp. Bởi thời tiết hanh khô có thể khiến niêm mạc mũi, xoang bị kích thích và phù nề.
  • Nâng cao sức đề kháng bằng cách ăn uống, nghỉ ngơi và tập thể dục thường xuyên. Nếu có hệ miễn dịch kém, nên cân nhắc bổ sung viên uống chứa Kẽm và vitamin C.
  • Điều trị triệt để các ổ viêm nhiễm ở mũi, VA, amidan và hầu họng. Tránh để tác nhân nhiễm trùng lây lan đến mô xoang dẫn đến viêm xoang mãn tính và hàng loạt các vấn đề hô hấp khác.

Viêm xoang mãn tính là bệnh hô hấp thường gặp ở người trưởng thành. Hy vọng qua bài viết, bệnh nhân có thể hiểu rõ hơn về nguyên nhân, triệu chứng và chủ động trong việc điều trị, phòng ngừa bệnh tái phát. Để được tư vấn cụ thể về phương hướng điều trị, nên chủ động tìm gặp bác sĩ chuyên khoa Tai mũi họng.

5/5 - (1 bình chọn)

Cùng chuyên mục

Người bị viêm xoang có nên ăn thịt gà không?

Người bị viêm xoang có nên ăn thịt gà không?

Điều trị bệnh viêm xoang là cả một quá trình dài, trong đó kiêng cữ trong việc ăn uống là điều cần thiết để bệnh nhanh khỏi hơn. Tuy nhiên...

Viêm xoang trán: Nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết và điều trị

Viêm xoang trán là một dạng khác của bệnh viêm xoang - bệnh đường hô hấp khá phổ biến mà mọi đối tượng có khả năng mắc phải. Viêm xoang...

Viêm xoang hàm

Viêm xoang hàm: Nguyên nhân gây bệnh và cách điều trị

Viêm xoang hàm là một dạng viêm xoang xảy phổ biến. Đây là tình trạng viêm nhiễm niêm mạc xoang với đặc trưng không gây tổn thương xương. Bệnh nếu...

Bị viêm xoang nên ăn và kiêng ăn gì nhanh khỏi?

Bị viêm xoang nên ăn và kiêng ăn gì nhanh khỏi?

"Bị viêm xoang nên ăn gì và kiêng ăn gì nhanh khỏi?" là vấn đề được nhiều người bệnh quan tâm. Bởi chế độ ăn uống đóng vai trò quan...

Bệnh viêm xoang cấp có nguy hiểm không? Có chữa khỏi không?

Viêm xoang cấp có nguy hiểm không là thắc mắc của khá nhiều người đi tìm câu trả lời. Theo nhận định từ chuyên gia y tế, mặc dù mức...

thuốc trị viêm xoang

Top 9 thuốc trị viêm xoang hiệu quả được đánh giá cao hiện nay

Thuốc trị viêm xoang sẽ là giải pháp tốt nhất để nhanh chóng cải thiện các triệu chứng nghẹt mũi, nhức đầu hay khó chịu cho người bệnh. Kết hợp...

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Ẩn