Viêm xoang bướm: Nguyên nhân, dấu hiệu đặc trưng và điều trị
Viêm xoang bướm đề cập đến tình trạng xoang bướm bị sưng viêm và phù nề do nhiều nguyên nhân khác nhau. Bệnh đặc trưng bởi tình trạng nghẹt mũi, đau đầu, nhức hốc mắt, giảm khứu giác và thị lực. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh lý này có thể gây ra hàng loạt biến chứng ở mắt và các cơ quan hô hấp khác.
Viêm xoang bướm là gì? Phân loại
Xoang bướm là thuật ngữ đề cập đến mô xoang nằm sâu nhất trong khoang mũi. Xoang bướm nằm ở phần đầu hốc mắt và có diện tích nhỏ hơn so với xoang trán và xoang hàm. Viêm xoang bướm là tình trạng mô xoang bướm bị viêm sưng và phù nề do nhiều nguyên nhân khác nhau.
So với các xoang khác, xoang bướm có kích thước nhỏ nhưng liền kề với dây thần kinh thị giác nên rất dễ để lại biến chứng nếu không có các phương án điều trị phù hợp. Thực tế cho thấy, đã có nhiều trường hợp bị suy giảm thị lực hoặc thậm chí là mù lòa do viêm xoang bướm kéo dài, không được điều trị dứt điểm.
Dựa vào thời gian tiến triển, viêm xoang bướm được chia thành 2 loại:
- Viêm xoang bướm cấp tính: Viêm xoang bướm cấp tính là tình trạng niêm mạc xoang bướm bị sưng viêm, phù nề trong thời gian ngắn (dưới 8 tuần). Bệnh chủ yếu xảy ra do dị ứng hoặc nhiễm trùng (virus, vi khuẩn).
- Viêm xoang bướm mãn tính: Đề cập đến tình trạng tổ chức xoang phù nề, viêm sưng kéo dài từ 8 tuần trở lên. Viêm xoang bướm mãn tính có thể bùng phát do nhiễm trùng, dị ứng và nhiều nguyên nhân khác. Ngoài ra, bệnh cũng thường đi kèm với một số bệnh hô hấp mãn tính như viêm mũi dị ứng, viêm họng, viêm thanh quản,…
Nguyên nhân gây bệnh viêm xoang bướm
Tương tự như viêm xoang, viêm xoang bướm có thể xảy ra do rất nhiều nguyên nhân. Trong đó, thường gặp nhất là những nguyên nhân sau:
- Virus, vi khuẩn: Nhiễm trùng là nguyên nhân phổ biến gây bệnh viêm xoang bướm. Virus, vi khuẩn có thể xâm nhập vào xoang bướm thông qua đường hô hấp dẫn đến viêm niêm mạc và phù nề tổ chức xoang. Viêm xoang bướm do nhiễm trùng có thể bùng phát do tiếp xúc với virus, vi khuẩn hoặc cũng có là thể là hệ quả do các bệnh viêm nhiễm đường hô hấp không được điều trị triệt để.
- Dị ứng: Tương tự như các bệnh viêm xoang khác, viêm xoang bướm cũng có thể bùng phát do dị ứng. Dị ứng xảy ra khi dị nguyên (phấn hoa, nấm mốc, hóa chất, bụi bẩn,…) xâm nhập vào cơ quan hô hấp, từ đó kích thích phản ứng dị ứng của hệ miễn dịch và kết quả là gây sưng viêm mô xoang, niêm mạc mũi. Nếu xảy ra do dị ứng, viêm xoang bướm có thể đi kèm với viêm kết mạc dị ứng và viêm mũi dị ứng.
- Vẹo vách ngăn, polyp mũi: Vẹo vách ngăn, polyp mũi khiến quá trình dẫn lưu dịch tiết bị gián đoạn. Hệ quả là dịch ứ đọng trong các hốc xoang – bao gồm cả xoang bướm. Tình trạng này khiến mô xoang sưng viêm, phù nề dẫn đến triệu chứng đau nhức hốc mắt và nặng vùng mắt do dịch tiết ứ đọng lâu ngày.
- Một số nguyên nhân khác: Ngoài những nguyên nhân kể trên, viêm xoang bướm cũng có thể bùng phát do u vòm họng, ảnh hưởng của bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD), bệnh xơ nang, tiểu đường,… Các bệnh lý này làm gián đoạn quá trình dẫn lưu dịch mũi – xoang, kết quả là dịch bị ứ đọng và gây sưng viêm, phù nề xoang bướm.
Ngoài ra, nguy cơ mắc bệnh viêm xoang bướm cũng có thể tăng lên nếu có những yếu tố thuận lợi như:
- Cơ địa dị ứng
- Tiền sử gia đình mắc bệnh hen phế quản, viêm mũi và viêm xoang dị ứng
- Thường xuyên tiếp xúc với dị nguyên (phấn hoa, nấm mốc, hóa chất, bụi bẩn,…)
- Có thói quen uống nhiều rượu bia trong thời gian dài
- Người vừa bị chấn thương vùng mặt
- Sinh sống trong môi trường ô nhiễm
- Người có hệ miễn dịch kém
Các triệu chứng đặc trưng của bệnh viêm xoang bướm
Xoang bướm là tổ chức xoang có kích thước nhỏ nằm ở hốc mắt. Vì vậy, tình trạng viêm xoang bướm đặc trưng với các triệu chứng liên quan đến vùng mắt và trán. Ngoài ra, viêm xoang bướm cũng có thể bùng phát đồng thời với viêm xoang hàm và viêm xoang trán.
Triệu chứng của bệnh viêm xoang bướm có sự khác biệt rõ rệt ở giai đoạn cấp và mãn tính. Để nhận biết bệnh, bệnh nhân có thể dựa vào các triệu chứng đặc trưng sau:
1. Triệu chứng của bệnh viêm xoang bướm cấp tính
Viêm xoang bướm cấp tính đặc trưng bởi tình trạng triệu chứng khởi phát ồ ạt, tiến triển nhanh. Ở giai đoạn đầu, bệnh rất dễ bị nhầm lẫn với cảm lạnh, cảm cúm và một số bệnh viêm đường hô hấp trên. Tuy nhiên sau 4 – 5 ngày, các triệu chứng của bệnh trở nên điển hình hơn và rất dễ nhận biết.
Các triệu chứng thường gặp của bệnh viêm xoang bướm:
- Ban đầu, bệnh chủ yếu gây sổ mũi, nghẹt mũi, hắt hơi và sốt nhẹ đến sốt cao
- Trong khoảng 3 ngày đầu, dịch mũi thường có màu trong suốt. Sau đó, dần đặc lại và chuyển sang màu trắng đục hoặc vàng, xanh.
- Từ ngày thứ 4 – 5 trở đi, bệnh nhân có thể nhận thấy các triệu chứng điển hình như nhức đầu, đau hốc mắt, nhức mắt – đặc biệt là khi di chuyển mắt
- Các triệu chứng bùng phát ồ ạt trong khoảng 5 – 6 ngày và thuyên giảm nhanh nếu chăm sóc, điều trị đúng cách
2. Dấu hiệu nhận biết bệnh viêm xoang bướm mãn tính
Viêm xoang bướm mãn tính là tình trạng mô xoang bị sưng viêm kéo dài từ 8 tuần trở lên. So với giai đoạn cấp, triệu chứng trong giai đoạn mãn tính thường nhẹ hơn nhưng âm ỉ, dai dẳng và dễ tái phát.
Các triệu chứng nhận biết bệnh viêm xoang bướm mãn tính:
- Nghẹt mũi, sổ mũi và ho kéo dài
- Đau đầu thường xuyên – đặc biệt là ở vùng trán và xung quanh hốc mắt
- Khứu giác giảm
- Thị lực suy yếu
- Hơi thở có mùi hôi
- Dịch mũi đặc, có màu vàng hoặc xanh và thường chảy ngược về phía sau thành họng
Các triệu chứng của bệnh viêm xoang bướm kéo dài gây ra một số biểu hiện khác như đau nhức răng hàm trên, mệt mỏi, suy nhược, mất ngủ, giảm trí nhớ và hiệu suất lao động.
Bệnh viêm xoang bướm có nguy hiểm không?
Viêm xoang bướm là một trong những bệnh hô hấp thường gặp ở người trưởng thành. Bệnh lý này có mức độ không quá nghiêm trọng và hoàn toàn có thể kiểm soát bằng cách điều trị, chăm sóc hợp lý. Tuy nhiên nếu chủ quan, hiện tượng sưng viêm, phù nề tổ chức xoang có thể kéo dài và lan rộng dẫn đến các biến chứng như:
- Biến chứng ở mắt: Biến chứng ở mắt thường xảy ra ở người bị viêm xoang bướm và viêm xoang sàn. Tình trạng này xảy ra khi vi khuẩn, virus gây nhiễm trùng xoang lây lan sang dây thần kinh thị giác. Một số biến chứng ở mắt thường gặp bao gồm viêm mô liên kết quanh hốc mắt, viêm dây thần kinh thị giác (60%), áp xe túi lệ và áp xe mi mắt.
- Viêm họng mãn tính: Tình trạng viêm xoang lâu ngày có thể khiến dịch tiết chảy ngược xuống thành họng trong thời gian dài. Kết quả là gây viêm nhiễm niêm mạc hầu họng dai dẳng, cổ họng sưng đau, ngứa và khó chịu.
- Các biến chứng ở não: Trong một số trường hợp, virus và vi khuẩn gây nhiễm trùng xoang bướm có thể di chuyển đến não dẫn đến các biến chứng như viêm màng não, viêm não và áp xe não. Các biến chứng ở não thường xảy ra ở bệnh nhân bị viêm xoang bướm cấp tính.
- Biến chứng xương: Hiện tượng viêm xoang bướm kéo dài có thể khiến mạch máu bị viêm tắc dẫn đến hình thành ổ áp xe ở xương trán, sau đó lan dần đến xương đỉnh và xương thái dương. Nếu không điều trị kịp thời, tình trạng viêm nhiễm có thể lan rộng và để lại các di chứng vĩnh viễn.
Chẩn đoán bệnh viêm xoang bướm
Xoang bướm nằm sâu bên trong và liền kề với hốc mắt nên rất khó quan sát thông qua thăm khám lâm sàng. Để chẩn đoán bệnh, xác định nguyên nhân và đánh giá mức độ phù nề mô xoang, bác sĩ có thể yêu cầu bệnh nhân thực hiện một số kỹ thuật sau:
- Thăm khám lâm sàng (khai thác tiền sử bệnh lý cá nhân, gia đình,…)
- Nội soi mũi
- Chụp MRI hoặc CT
- Phết dịch mũi để nuôi cấy vi khuẩn và làm kháng sinh đồ (nếu cần)
- Xét nghiệm dị ứng
- Xét nghiệm máu
Sau khi có kết quả chẩn đoán, bác sĩ sẽ tư vấn phương án điều trị phù hợp dựa trên nguyên nhân và mức độ viêm của tổ chức xoang.
Các phương pháp điều trị bệnh viêm xoang bướm
Tương tự như các bệnh viêm xoang khác, điều trị viêm xoang bướm bao gồm 2 biện pháp chính là sử dụng thuốc và can thiệp phẫu thuật trong trường hợp cần thiết. Mục tiêu của điều trị là giảm mức độ viêm ở tổ chức xoang và bình thường hóa quá trình dẫn lưu dịch.
Các phương pháp điều trị viêm xoang bướm được áp dụng phổ biến:
1. Sử dụng thuốc điều trị
Có khá nhiều loại thuốc được dùng để điều trị viêm xoang nói chung và viêm xoang bướm nói riêng. Dựa vào triệu chứng, nguyên nhân gây bệnh và khả năng đáp ứng của từng bệnh nhân, bác sĩ có thể chỉ định các loại thuốc sau đây:
- Thuốc giảm đau, hạ sốt: Thuốc giảm đau, hạ sốt (Paracetamol) thường được sử dụng trong trường hợp viêm xoang bướm xảy ra do nhiễm trùng hoặc viêm xoang đã bị bội nhiễm. Thuốc có tác dụng giảm đau nhức vùng hốc mắt, đau đầu và cải thiện tình trạng sốt cao.
- Thuốc xịt mũi corticoid: Các loại thuốc xịt mũi chứa corticoid (Fluticasone, Mometasone,…) được sử dụng nhằm cải thiện tình trạng niêm mạc mũi phù nề, sưng đỏ, qua đó hỗ trợ hoạt động dẫn lưu dịch và giảm nhanh triệu chứng nghẹt mũi, sổ mũi. Tuy nhiên, lạm dụng corticoid dạng xịt mũi có thể gây kích ứng, chảy máu cam và tăng nguy cơ nhiễm trùng.
- Thuốc xịt mũi chống phù nề: Thuốc xịt mũi chống phù nề chứa các hoạt chất co mạch như Phenylephrine, Oxymetazoline, Naphazolin,… Thuốc có tác dụng giảm phù nề niêm mạc mũi, từ đó cải thiện tình trạng nghẹt mũi và bình thường hóa quá trình dẫn lưu dịch.
- Corticoid đường uống: Corticoid đường uống được cân nhắc sử dụng khi viêm xoang bướm có mức độ nặng khiến dịch ứ đọng trong các hốc xoang dẫn đến đau đầu dữ dội, giảm thị lực, nặng vùng mặt,… Tuy nhiên, nhóm thuốc này có thể gây ra nhiều biến chứng nặng nề nên thường được dùng ở liều thấp trong thời gian ngắn.
- Thuốc kháng histamine H1: Thuốc kháng histamine H1 (Loratadin, Chlorpheniramin,…) được sử dụng trong trường hợp viêm xoang bướm xảy ra do dị ứng. Thuốc có tác dụng ức chế histamine ở thụ thể H1 nhằm cải thiện hiện tượng viêm, phù nề ở niêm mạc mũi và xoang. Nhóm thuốc này mang lại hiệu quả cao trong việc cải thiện triệu chứng ngứa mũi, sổ mũi, nghẹt mũi,…
- Kháng sinh: Kháng sinh (Amoxicillin, Doxycycline,…) được sử dụng khi viêm xoang bướm xảy ra do vi khuẩn. Nhóm thuốc này được dùng liên tục trong 7 – 14 ngày tùy theo mức độ nhiễm trùng và khả năng đáp ứng. Khi dùng kháng sinh, bệnh nhân cần dùng đúng liều lượng và thời gian được chỉ định để tránh hiện tượng kháng thuốc và tái nhiễm.
- Các viên uống hỗ trợ: Đối với bệnh nhân có hệ miễn dịch kém, bác sĩ có thể chỉ định thêm một số viên uống hỗ trợ như vitamin C, kẽm, Omega 3,… để nâng cao chức năng đề kháng và đẩy nhanh tốc độ phục hồi của cơ thể.
Các loại thuốc điều trị bệnh viêm xoang chỉ được dùng trong một thời gian nhất định. Lạm dụng thuốc quá mức có thể gây ra không ít biến chứng và tác dụng ngoài ý muốn. Hiện nay ngoài tân dược, một số bệnh nhân lựa chọn dùng thuốc Đông y để chữa viêm xoang. Tuy nhiên, cần thận trọng khi lựa chọn phòng khám/ bệnh viện nhằm đảm bảo hiệu quả điều trị, tránh tình trạng “tiền mất tật mang”.
2. Phẫu thuật khi cần thiết
Phẫu thuật có thể được cân nhắc khi viêm xoang bướm không đáp ứng với điều trị bằng thuốc và tái đi tái lại nhiều lần. Phương pháp này được chỉ định cho bệnh nhân bị viêm xoag bướm do vẹo vách ngăn, u vòm họng và polyp mũi.
Phẫu thuật được thực hiện nhằm loại bỏ khối u bất thường và chỉnh hình vách ngăn để đảm bảo quá trình lưu thông mũi xoang. Khi quá trình này bình thường trở lại, hiện tượng dịch tiết ứ đọng trong các hốc xoang sẽ thuyên giảm dần theo thời gian.
3. Biện pháp chăm sóc
Viêm xoang bướm là một trong những dạng viêm xoang thường gặp. Ngoài sử dụng thuốc và can thiệp phẫu thuật, bệnh nhân nên thực hiện thêm một số biện pháp chăm sóc để hỗ trợ quá trình điều trị.
Các biện pháp chăm sóc bệnh nhân bị viêm xoang bướm:
- Nên dành thời gian nghỉ ngơi và ăn uống điều độ trong thời gian điều trị. Ngoài ra, nên chú ý uống nhiều nước để làm loãng dịch tiết hô hấp, từ đó giúp loại bỏ dịch một cách dễ dàng, tránh tình trạng ứ đọng trong các hốc xoang gây bội nhiễm và đau nhức hốc mắt.
- Sử dụng nước muối sinh lý để rửa mũi và súc miệng bằng nước muối ấm thường xuyên. Các biện pháp này có tác dụng giảm nghẹt mũi, sổ mũi, cải thiện tình trạng đau rát và ngứa ngáy cổ họng.
- Xông mũi với một số thảo dược như sả, gừng, kinh giới, tía tô,.. 2 – 3 lần/ tuần để làm lỏng dịch tiết hô hấp và loại bỏ hoàn toàn dịch ứ đọng trong các hốc xoang. Ngoài ra, tinh chất tự nhiên từ một số loại thảo dược còn giúp ức chế sự phát triển quá mức của virus và vi khuẩn gây bệnh.
- Nằm gối cao kết hợp với chườm khăn ấm ở vùng mũi để thúc đẩy quá trình dẫn lưu dịch. Biện pháp này có thể loại bỏ hoàn toàn dịch tiết hô hấp tích tụ trong các mô xoang, từ đó giảm nghẹt mũi và ngăn ngừa bội nhiễm hiệu quả.
- Trong trường hợp ho nhiều, nên dùng trà gừng, trà mật ong, trà quế,… 2 lần/ ngày (sáng và tối trước khi đi ngủ). Các loại trà thảo dược có khả năng làm dịu cổ họng, giảm ho và ngứa ngáy khá hiệu quả.
- Ngưng tiếp xúc với các yếu tố kích ứng, dị ứng (thuốc lá, phấn hoa, hóa chất,…) trong thời gian điều trị. Những yếu tố này khiến tình trạng viêm ở xoang bướm tiến triển dai dẳng và ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả của các phương pháp điều trị.
Chế độ chăm sóc là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến kết quả của quá trình điều trị bệnh viêm xoang bướm. Vì vậy, bệnh nhân cần kết hợp phương pháp y tế với những biện pháp kể trên. Nếu không có sự kết hợp giữa điều trị và chăm sóc, bệnh có khả năng tiến triển dai dẳng, mãn tính và gây ra nhiều biến chứng nặng nề.
Phòng ngừa viêm xoang bướm tái phát
Viêm xoang bướm hoàn toàn có thể tái phát – đặc biệt là ở bệnh nhân bị viêm xoang bướm mãn tính. Hiện tượng tái đi tái lại nhiều lần gây ra không ít phiền toái trong sinh hoạt, giấc ngủ, ảnh hưởng đến hiệu suất học tập và làm việc. Hơn nữa, tổ chức xoang phù nề, sưng viêm lâu dài còn ảnh hưởng đến thị lực và các cơ quan hô hấp khác.
Do đó sau khi điều trị, nên chủ động phòng ngừa bệnh tái phát bằng các phương pháp đơn giản như:
- Giữ vệ sinh răng miệng bằng cách chải răng 2 – 3 lần/ ngày và súc miệng với nước muối thường xuyên. Ngoài ra, cần rửa tay trước khi ăn và sau khi tiếp xúc với các vật dụng công cộng.
- Đeo khẩu trang khi di chuyển ngoài trời – nhất là trong giai đoạn thời tiết thay đổi và mùa lạnh, khô hanh. Biện pháp này có thể hạn chế việc tiếp xúc với các yếu tố kích ứng và dị ứng như khói thuốc, hóa chất, phấn hoa, mạt bụi, nấm mốc, lông thú nuôi,…
- Thay đổi công việc nếu tính chất nghề nghiệp phải tiếp xúc nhiều với hóa chất, nấm mốc, bụi vải,… Tình trạng này không chỉ gây viêm xoang bướm mà còn là yếu tố thuận lợi làm bùng phát hàng loạt các vấn đề hô hấp khác.
- Phòng ngừa viêm nhiễm đường hô hấp bằng cách tránh tiếp xúc với người nhiễm bệnh và tiêm một số loại vaccine phòng ngừa (vaccine ngừa cúm, ngừa phế cầu).
- Giải quyết triệt để các ổ viêm ở amidan, VA, tai, họng, mũi,…. Tránh để virus và vi khuẩn phát triển mạnh, lây lan và xâm nhập vào các tổ chức xoang.
- Sử dụng máy tạo độ ẩm và thiết bị lọc không khí để loại bỏ chất dị ứng, đồng thời giảm mức độ kích ứng lên niêm mạc mũi và mô xoang.
- Cải thiện sức khỏe và hệ miễn dịch bằng lối sống lành mạnh. Vào giai đoạn viêm xoang dễ tái phát, nên tăng cường bổ sung thực phẩm giàu vitamin C, khoáng chất, vitamin E,…
Viêm xoang bướm là một trong những bệnh hô hấp trên thường gặp. Bệnh lý này rất dễ gây ra biến chứng nếu không được thăm khám và điều trị kịp thời. Do đó ngay khi phát hiện các triệu chứng bất thường, bệnh nhân cần tìm gặp bác sĩ để được chẩn đoán, tư vấn dùng thuốc và phẫu thuật khi cần thiết.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!