Phân biệt biểu hiện của viêm amidan và viêm họng
Amidan và niêm mạc họng nằm liền kề nhau nên tình trạng viêm nhiễm ở hai cơ quan này rất dễ bị nhầm lẫn. Tuy nhiên nếu quan sát và chú ý kỹ, bạn có thể phân biệt viêm họng và viêm amidan thông qua một số biểu hiện lâm sàng.
Vì sao cần phân biệt viêm họng và viêm amidan?
Viêm họng và viêm amidan là các bệnh viêm đường hô hấp trên thường gặp. Hai bệnh lý này đều xảy ra do virus và vi khuẩn xâm nhập vào mũi, họng gây viêm tổ chức amidan khẩu cái (hạch lympho ở hai bên thành họng) hoặc niêm mạc họng. Ngoài ra, viêm họng cũng có thể xảy ra do dị ứng, hút thuốc lá, sử dụng rượu bia dài hạn và trào ngược dạ dày thực quản.
Amidan và niêm mạc họng nằm liền kề nhau nên hiện tượng viêm ở hai cơ quan này rất dễ bị nhầm lẫn. Nếu không chú ý, bạn có thể xác định nhầm bệnh lý và can thiệp các phương pháp điều trị không phù hợp. Vì vậy, cần trang bị kiến thức cần thiết để phân biệt viêm amidan và viêm họng, từ đó có các biện pháp điều trị và cải thiện phù hợp.
Phân biệt biểu hiện của viêm họng và viêm amidan
Thực tế, triệu chứng của viêm họng và viêm amidan có nhiều nét tương đồng nên rất dễ bị nhầm lẫn. Tuy nhiên nếu chú ý, bạn hoàn toàn có thể phân biệt hai bệnh lý này một cách dễ dàng.
1. Phân biệt viêm họng cấp và viêm amidan cấp
Viêm họng cấp và viêm amidan cấp đều có thể xảy ra do virus và vi khuẩn. Đặc điểm chung của hai bệnh lý là triệu chứng khởi phát đột ngột, ồ ạt, diễn tiến rầm rộ nhưng thuyên giảm nhanh sau 7 – 10 ngày nếu chăm sóc và điều trị đúng cách.
Để phân biệt viêm họng cấp và viêm amidan cấp, bạn có thể dựa vào một số triệu chứng như:
Biểu hiện của viêm họng cấp:
- Toàn thân: Sốt cao 39 – 40 độ C, ăn ngủ kém, đau nhức cơ thể, ớn lạnh và rét run.
- Triệu chứng cơ năng: Toàn bộ vòm họng có cảm giác khô nóng và đau rát – nhất là khi giao tiếp, nuốt và ho, cơn đau có thể lan lên tai. Đi kèm với triệu chứng chảy nước mũi, ngạt tắc mũi, ho khan và khàn giọng nhẹ.
- Triệu chứng thực thể: Niêm mạc họng phù nề, sung huyết đỏ, amidan có thể bị sưng, xuất tiết chất nhầy trong và đôi khi có bựa trắng. Hạch hàm dưới và hạch cổ bị sưng, đau nhức. Trong trường hợp viêm họng do liên cầu, niêm mạc họng và amidan có thể phủ lớp giả mạc có màu trắng.
Triệu chứng của viêm amidan cấp tính:
- Toàn thân: Tương tự như viêm họng cấp, viêm amidan cấp gây ra các triệu chứng toàn thân như sốt đột ngột nhưng nhẹ hơn (khoảng 38 – 39 độ C), cơ thể mệt mỏi, đau đầu, ăn uống kém, táo bón, nước tiểu ít và sẫm màu.
- Triệu chứng cơ năng: Họng đau rát và khô (đặc biệt là hai bên thành họng), amidan sưng gây ra cảm giác nghẹn vướng khi nuốt, ngủ ngáy, nói giọng mũi, khàn giọng và thở khò khè.
- Triệu chứng thực thể: Toàn bộ niêm mạc họng xung huyết có màu đỏ, amidan sưng lớn gây hẹp eo họng. Bề mặt amidan xuất hiện các bựa trắng không bám chắc, dễ chùi, khi chùi gây chảy máu nhẹ. Các lympho ở thành sau họng tăng sản dẫn đến xuất hiện các đốm nhỏ có màu đỏ (không thường gặp).
Có thể thấy, triệu chứng của viêm họng cấp và viêm amidan cấp rất khó phân biệt. Biểu hiện khác biệt giữa hai bệnh lý này là mức độ sưng viêm của amidan và cảm giác nghẹn vướng khi nuốt. Nếu do viêm amidan cấp, amidan sưng lớn thấy rõ, gây khó khăn khi giao tiếp, ho, ăn uống – thậm chí gây nghẹn cả khi nuốt nước bọt.
2. Phân biệt viêm họng mạn và viêm amidan mãn tính
Viêm họng mãn và viêm amidan mãn tính có triệu chứng toàn thân nghèo nàn, mờ nhạt. Tuy nhiên ở giai đoạn mãn tính, tổn thương thực thể của hai bệnh lý này có nhiều điểm khác biệt và dễ dàng phân biệt hơn so với giai đoạn cấp.
Biểu hiện của viêm họng mãn tính:
– Triệu chứng cơ năng:
- Họng có cảm giác khô, nóng rát, ngứa và vướng – nhất là sau khi ngủ dậy
- Đờm dính dẻo, độ đặc tăng lên nếu nuốt đờm liên tục
- Ho nhiều, đặc biệt là vào ban đêm
- Nuốt hơi nghẹn và luôn có cảm giác vướng ở cổ dẫn đến tình trạng đằng hắng và khạc nhổ liên tục
- Giọng nói có thể bị khàn sau khi giao tiếp nhiều, hút thuốc là và sử dụng rượu bia
– Triệu chứng thực thể:
- Viêm họng xuất tiết: Toàn bộ vòm họng đỏ, ướt, thành sau họng có dịch nhầy dịch, trong suốt. Quan sát kỹ thấy thành sau họng gồ ghề, không nhẵn và nổi lên các hạt đỏ, hồng (nang lympho tăng sản).
- Viêm họng quá phát (viêm họng hạt): Eo họng bị thu hẹp do thành sau họng xuất hiện các hạt có màu hồng hoặc đỏ, số lượng nhiều, tập trung thành từng đám. Niêm mạc họng dày và đỏ.
- Viêm họng teo: Nang tân và tuyến nhầy bị xơ hóa khiến eo họng rộng ra, thành họng nhẵn, màu trắng bệch và lộ rõ các mạch máu nhỏ. Dịch nhầy khô, tiêu biến thành vảy dính vào niêm mạc, kích thích phản ứng ho và đằng hắng.
Triệu chứng của viêm amidan mãn tính:
– Triệu chứng cơ năng:
- Cổ họng đau và có cảm giác vướng khi nhai nuốt, cơn đau có thể lan lên tai
- Ngủ ngáy, thở khò khè và thỉnh thoảng có thể gây ho
- Miệng hôi mặc dù vệ sinh răng miệng thường xuyên và đúng cách
– Triệu chứng thực thể:
- Các khe kẽ, hốc của amidan chứa nhiều bã đậu, bề mặt có mủ màu trắng đục hoặc vàng nhạt
- Hạch dưới hàm sưng to
- Với thể quá phát (gặp ở trẻ em), amidan sưng to bất thường dẫn đến hẹp eo họng, ngưng thở khi ngủ, thở khò khè, khó ăn uống, chậm phát triển về thể chất,…
- Đối với viêm amidan teo xơ (gặp ở người trưởng thành), amidan teo nhỏ, bề mặt chằng chịt xơ trắng, niêm mạc gồ ghề, có màu đỏ thẫm. Khi ấn mạnh vào, các hốc và khe khẽ có thể tiết mủ trắng do vi khuẩn trú ngụ lâu ngày
Các triệu chứng cơ năng của viêm amidan mãn tính và viêm họng mãn tính không có quá nhiều khác biệt. Tuy nhiên, tổn thương thực thể của hai bệnh lý này có đặc điểm rất rõ rệt và dễ nhận biết. Vì vậy, bạn có thể quan sát hầu họng và amidan để xác định bệnh lý.
Cần làm gì khi bị viêm họng, viêm amidan?
Viêm họng và viêm amidan là các bệnh viêm đường hô hấp phổ biến, xảy ra cả người lớn và trẻ nhỏ. Mặc dù có thể phân biệt hai bệnh lý này thông qua biểu hiện lâm sàng nhưng để đảm bảo điều trị đúng cách, bạn nên tìm gặp bác sĩ nếu nhận thấy các triệu chứng bất thường.
Bác sĩ sẽ đưa ra chẩn đoán sau khi khai thác triệu chứng mà bạn gặp phải, khám họng, nội soi cổ họng và xét nghiệm máu. Ngoài chẩn đoán xác định, các kỹ thuật này còn giúp bác sĩ đánh giá mức độ, thể lâm sàng và xác định được nguyên nhân gây bệnh.
Do đó, nên tránh tình trạng tự ý sử dụng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Đa phần các trường hợp tùy tiện điều trị đều không có kết quả tốt. Ngược lại còn làm tăng nguy cơ kháng thuốc, nhiễm trùng tiến triển dai dẳng và gây ra nhiều biến chứng lên các cơ quan kế cận hoặc những cơ quan xa như thận, khớp, tim,…
Hiện nay, điều trị viêm họng và viêm amidan chủ yếu là sử dụng thuốc kết hợp với các biện pháp chăm sóc. Tuy nhiên ở giai đoạn mãn tính, viêm họng có thể được điều trị bằng cách đốt laser, đốt điện hoặc áp lạnh nito lỏng trong trường hợp thành họng xuất hiện các đám hạt phù nề (viêm họng hạt). Trong khi đó, viêm amidan quá phát và viêm amidan tái phát nhiều lần thường được chỉ định phẫu thuật.
Cách phòng ngừa viêm họng và viêm amidan
Viêm họng, viêm amidan là các bệnh viêm đường hô hấp trên thường gặp. Bệnh không chỉ gây mệt mỏi, suy nhược cơ thể mà còn ảnh hưởng đến giấc ngủ, hiệu suất lao động, học tập và sự phát triển thể chất (nhất là với trẻ nhỏ).
Vì vậy, bạn nên chủ động phòng ngừa bệnh thông qua một số biện pháp đơn giản như:
- Giữ vệ sinh răng miệng đúng cách là biện pháp phòng ngừa viêm amidan, viêm họng và các bệnh viêm đường hô hấp hiệu quả. Bên cạnh chải răng 2 – 3 lần/ ngày, nên súc miệng với nước muối ấm thường xuyên để tránh virus và vi khuẩn phát triển quá mức.
- Đeo khẩu trang khi đến những nơi đông người và khi di chuyển ngoài trời, nhất là khi thời tiết thay đổi đột ngột, mưa nhiều, độ ẩm cao hoặc thời tiết khô hanh.
- Người có cơ địa dị ứng cần tránh tiếp xúc với các yếu tố kích ứng và dị ứng như thuốc lá, hóa chất, phấn hoa, lông thú nuôi, bụi mịn,…
- Vệ sinh tai và mũi 2 – 3 lần/ tuần để phòng ngừa virus và vi khuẩn xâm nhập vào họng, amidan thông qua các cơ quan hô hấp khác.
- Giữ ấm cơ thể khi thời tiết chuyển lạnh và trong giai đoạn giao mùa. Trong thời điểm này, nên hạn chế di chuyển và hoạt động ngoài trời.
- Chủ động tiêm ngừa một số vaccine như vaccine ngừa phế cấu, sởi, ho gà, cúm A,… Các chủng virus và vi khuẩn này có thể gây ra viêm họng, viêm amidan và hàng loạt các bệnh viêm đường hô hấp khác.
- Nếu mắc các bệnh răng miệng (viêm nướu, viêm nha chu, sâu răng), trào ngược dạ dày thực quản hoặc các bệnh hô hấp (viêm VA, viêm xoang, viêm mũi,…), cần điều trị triệt để trong thời gian sớm nhất. Các bệnh lý này kéo dài tạo điều kiện thuận lợi để virus, vi khuẩn tấn công và gây viêm nhiễm amidan, hầu họng.
- Viêm amidan và viêm họng cấp đều có khả năng lây nhiễm. Vì vậy để phòng ngừa bệnh, cần hạn chế tiếp xúc thân mật với người mắc các bệnh viêm nhiễm đường hô hấp.
- Chú ý vệ sinh tay bằng xà phòng trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh và sau khi tiếp xúc với các vật dụng công cộng nghi ngờ nhiễm khuẩn.
- Nguy cơ mắc các bệnh viêm đường hô hấp tăng lên ở người có hệ miễn dịch kém và thể trạng suy nhược. Do đó, bạn nên cải thiện chức năng đề kháng thông qua chế độ sinh hoạt hợp lý, tập thể dục thường xuyên và ăn uống điều độ.
Bài viết đã hướng dẫn cách phân biệt bệnh viêm họng và viêm amidan thông qua biểu hiện lâm sàng. Tuy nhiên, thông tin trên chỉ có tính chất tham khảo. Để được chẩn đoán chính xác, bạn nên tìm gặp bác sĩ Tai mũi họng nếu nhận thấy các triệu chứng bất thường.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!