Cắt amidan có đau không? Có phải nằm viện không?
Cắt amidan có đau không? Có phải nằm viện không? là vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm. Được biết, phẫu thuật cắt amidan là thủ thuật ngoại trú nên bệnh nhân không nhất thiết phải nằm viện mà chỉ cần ở lại theo dõi từ 4 – 6 giờ. Phương pháp này có thể gây đau nhưng mức độ đau phụ thuộc vào cơ địa, chế độ chăm sóc và kỹ thuật mà bệnh nhân lựa chọn.
Cắt amidan có phải nằm viện không?
Cắt amidan (phẫu thuật cắt amidan) là phương pháp ngoại khoa được thực hiện nhằm loại bỏ amidan khẩu cái ở hai bên thành họng. Phương pháp này được chỉ định trong trường hợp viêm amidan tái đi tái lại nhiều lần (hơn 5 lần/ năm), viêm amidan quá phát gây ảnh hưởng đến hoạt động ăn uống, sinh hoạt, giấc ngủ, viêm amidan gây hôi miệng dai dẳng và trường hợp đã phát sinh biến chứng xa hoặc biến chứng kế cận.
Cắt amidan là thủ thuật ngoại trú nên bệnh nhân không cần phải nằm viện. Tuy nhiên để theo dõi tình trạng chảy máu và xử lý sớm tai biến phát sinh, bác sĩ có thể yêu cầu bệnh nhân ở lại bệnh viện từ 4 – 6 giờ đồng hồ. Ở một số trường hợp đặc biệt, bệnh nhân có thể phải nằm viện từ 1 – 2 ngày để theo dõi.
Mặc dù là phương pháp đơn giản nhưng bệnh nhân cắt amidan vẫn nên ở lại theo dõi theo chỉ dẫn của bác sĩ. Thống kê cho thấy, có khoảng 2 – 3% trường hợp gặp phải biến chứng khi can thiệp phương pháp này. Ngoài ra, bệnh nhân nên sắp xếp có người thân/ bạn bè đi cùng để tránh các rủi ro khi tự điều khiển phương tiện giao thông.
Phẫu thuật cắt amidan có đau không?
Cắt amidan là phương pháp ngoại khoa nên bắt buộc phải xâm lấn mô và niêm mạc. Ngoài vết mổ ở hai thành họng, cắt amidan còn có thể gây tổn thương các mô họng xung quanh. Tuy nhiên trong quá trình phẫu thuật, bệnh nhân sẽ được gây mê hoàn toàn nên không có cảm giác đau hay khó chịu.
Sau khi tỉnh dậy, cổ họng có thể bị đau buốt và phù nề. Mức độ đau có thể âm ỉ đến dữ dội phụ thuộc vào những yếu tố như:
- Phương pháp cắt amidan: Phương pháp cắt amidan là yếu tố ảnh hưởng đến mức độ đau sau khi phẫu thuật. Theo các chuyên gia, cắt amidan bằng laser, dao plasma và Coblator có mức độ xâm lấn thấp nên ít đau hơn so với các phương pháp truyền thống. Tuy nhiên trong trường hợp amidan lớn và có nhiều tổ chức xơ dính xung quanh, bệnh nhân phải can thiệp các phương pháp truyền thống nên triệu chứng đau sau khi phẫu thuật thường có mức độ nặng hơn.
- Cơ địa của bệnh nhân: Ngoài phương pháp cắt amidan, mức độ đau sau khi cắt amidan còn phụ thuộc vào cơ địa của bệnh nhân. So với người khỏe mạnh, người có thể trạng kém và cơ địa dị ứng thường bị đau nhiều và kéo dài hơn.
- Chế độ chăm sóc: Chế độ chăm sóc là yếu tố ảnh hưởng đến mức độ sưng đau sau khi cắt amidan. Nếu chăm sóc đúng cách, tình trạng đau buốt và phù nề ở cổ họng sẽ nhanh chóng thuyên giảm sau 5 – 7 ngày. Ngược lại, sinh hoạt và ăn uống không phù hợp có thể khiến vết mổ bị kích thích, cổ họng đau nhiều và dễ chảy máu.
Cắt amidan là phương pháp ngoại khoa bắt buộc phải xâm lấn mô nên có thể gây đau, đặc biệt là sau khi phẫu thuật. Tuy nhiên, bệnh nhân có thể sử dụng một số loại thuốc và các biện pháp tại nhà để kiểm soát cơn đau và một số triệu chứng đi kèm.
Các biện pháp giảm đau sau khi cắt amidan
Trong quá trình cắt amidan, bệnh nhân được gây mê nên hoàn toàn không có cảm giác đau rát và khó chịu. Triệu chứng đau buốt chỉ xuất hiện sau khi phẫu thuật và giai đoạn hồi phục.
Để cải thiện tình trạng này, bệnh nhân có thể áp dụng một số biện pháp đơn giản như:
1. Chườm lạnh/ ngậm đá viên
Sau khi trở về nhà, bệnh nhân cần chườm lạnh ở hai bên vùng má để giảm sưng đỏ, phù nề và đau nhức ở vết mổ. Nhiệt độ lạnh từ túi chườm giúp làm co mạch máu, từ đó hạn chế máu tuần hoàn đến vết mổ gây ra tình trạng sưng viêm và phù nề. Ngoài ra, chườm lạnh còn làm gián đoạn hoạt động dẫn truyền “tín hiệu đau” về não bộ.
Bên cạnh biện pháp chườm lạnh, bệnh nhân nên ngậm vài đá viên nhỏ để giảm sưng và cầm máu ở vết mổ. Sau khi đá tan hết, nên nhổ nước bọt ra bên ngoài để đánh giá tình trạng chảy máu. Nên thực hiện đều đặn 3 – 4 lần/ ngày để giảm đau và ngăn hiện tượng xuất huyết thứ phát.
2. Sử dụng thuốc theo hướng dẫn
Sau khi cắt amidan, bệnh nhân cần sử dụng một số loại thuốc như kháng sinh, thuốc giảm đau, hạ sốt (Paracetamol) và thuốc chống viêm (thuốc ức chế chọn lọc COX-2). Trong đó, thuốc chống viêm và thuốc giảm đau, hạ sốt có tác dụng giảm đau nhức cổ họng và cải thiện hiện tượng phù nề ở vết mổ.
Nếu bị nôn ói hoặc nghẹn vướng khi nuốt, bệnh nhân nên trao đổi với bác sĩ để được chỉ định thuốc ở dạng sủi hoặc dạng đặt trực tràng. Sử dụng thuốc đúng cách có thể kiểm soát cơn đau và một số triệu chứng đi kèm trong thời gian ngắn. Tuy nhiên trong trường hợp đau nặng và không có đáp ứng với các loại thuốc kể trên, cần thông báo ngay với bác sĩ để được thăm khám và tư vấn cách xử lý.
3. Uống nhiều nước
Uống nước mát hoặc sữa lạnh có thể giảm mức độ đau rát ở cổ họng đáng kể. Thói quen này giúp vết mổ được giữ ẩm, từ đó làm giảm mức độ kích thích và đau rát. Hơn nữa, nước lạnh còn giúp co mạch máu, giảm phù nề ở vết mổ và các mô lân cận.
Ngoài ra, bổ sung nhiều nước còn giúp cân bằng điện giải và giảm tình trạng mệt mỏi, suy nhược. Đồng thời hạn chế tình trạng táo bón và tiểu ít thường gặp ở bệnh nhân sau khi can thiệp ngoại khoa.
4. Tránh một số hoạt động
Mức độ đau sau khi cắt amidan có thể tăng lên nếu la hét, giao tiếp quá thường xuyên, vận động mạnh,… Vì vậy ngoài các biện pháp nêu trên, bệnh nhân cũng có thể kiểm soát cơn đau sau khi phẫu thuật bằng cách hạn chế một số hoạt động như:
- Tránh la hét và giao tiếp quá nhiều – đặc biệt là trong 24 giờ đầu tiên.
- Không nên vận động mạnh và tập thể dục trong 14 ngày sau phẫu thuật. Các hoạt động này có thể khiến vết mổ bị kích thích, đau nhức dữ dội và chảy máu.
- Tuyệt đối không súc họng, khạc nhổ và xì mũi. Nếu hắt hơi, cần tránh dùng tay che miệng và bịt mũi. Tình trạng này làm tăng áp lực trong khoang miệng, dẫn đến bong giả mạc ở vết mổ gây chảy máu và đau nhức dữ dội.
- Tránh làm việc – kể cả những công việc nhẹ nhàng trong ít nhất 2 ngày đầu tiên. Thay vào đó, cần nghỉ ngơi và ngủ đủ giấc để vết mổ nhanh phục hồi.
5. Xây dựng chế độ ăn phù hợp
Thực tế, cơn đau ở cổ họng thường bùng phát khi ăn uống do thức ăn ma sát với vết mổ. Vì vậy trong thời gian hồi phục, bệnh nhân cần xây dựng chế độ ăn phù hợp để giảm đau và đảm bảo quá trình phục hồi diễn ra thuận lợi.
Chế độ ăn giúp giảm đau sau khi cắt amidan:
- Trong 24 giờ đầu tiên, nên uống sữa lạnh hoặc các loại nước ép trái cây để tránh kích thích lên vết mổ.
- Từ ngày thứ 2, bệnh nhân có thể dùng các món cháo hoặc súp lỏng, nguội và nêm nếm nhạt để cung cấp dinh dưỡng và năng lượng cho cơ thể.
- Bắt đầu ăn cháo đặc từ ngày thứ 5 trở đi. Khi chế biến, nên băm nhỏ rau củ, nấm và thịt cá để tránh kích thích lên vết mổ.
- Duy trì chế độ ăn đặc biệt trong 15 ngày hoặc đến khi vết mổ lành hoàn toàn. Sau khi vết mổ phục hồi, bệnh nhân vẫn nên hạn chế dùng thực phẩm cứng, khô, chứa gia vị cay nóng, rượu bia,… trong ít nhất 30 ngày để tránh vết mổ bị lở loét và đau rát.
- Chú ý uống nhiều nước và chia nhỏ bữa ăn để giảm mức độ kích thích lên thành họng.
Trên đây là những thông tin giải đáp “Cắt amidan có đau không? Có phải nằm viện không”. Hy vọng qua bài viết, bệnh nhân có thể hiểu rõ hơn về các vấn đề xung quanh phương pháp này. Để được giải đáp cụ thể, nên trao đổi với bác sĩ trước khi can thiệp phẫu thuật.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!