Sau khi cắt amidan nên ăn gì và kiêng những gì nhanh khỏi?
Bên cạnh sử dụng thuốc và kiêng cử một số hoạt động, bệnh nhân cần nắm bắt vấn đề “Sau khi cắt amidan nên ăn gì, kiêng gì?”. Vì trên thực tế, chế độ dinh dưỡng phù hợp có thể giảm mức độ đau rát, phù nề ở thành họng, đồng thời giúp phục hồi thể trạng và đẩy nhanh tốc độ lành thương.
Cắt amidan là phương pháp ngoại khoa được áp dụng trong trường hợp viêm amidan tái phát nhiều lần hoặc amidan phì đại ảnh hưởng đến giấc ngủ, hoạt động ăn uống, sinh hoạt,… Phương pháp này được thực hiện nhằm loại bỏ hoàn toàn amidan khẩu cái (tổ chức lympho ở hai bên thành họng) nhằm giải quyết triệt để ổ viêm nhiễm.
Tuy nhiên, cắt amidan để lại vết mổ lớn và gây tổn thương các mô họng xung quanh. Do đó sau khi phẫu thuật, bệnh nhân cần xây dựng chế độ chăm sóc đúng cách để hố mổ nhanh lành và hạn chế tối đa các biến chứng như xuất huyết, nhiễm trùng, hình thành sẹo,…
Sau khi cắt amidan nên ăn gì để nhanh hồi phục?
Sau khi cắt amidan, cổ họng thường bị sưng viêm, phù nề và dễ đau nhức – đặc biệt là khi nhai nuốt. Vì vậy trong 2 tuần sau phẫu thuật, bệnh nhân nên bổ sung các món ăn mềm, ít gia vị và giàu dinh dưỡng để phục hồi thể trạng và giảm kích thích lên vết mổ. Bên cạnh đó, nên chú ý uống nhiều nước để bù khoáng và cân bằng điện giải.
Dưới đây là một số thực phẩm, món ăn nên bổ sung sau khi cắt amidan:
1. Sữa lạnh – Thực phẩm nên dùng ngay sau cắt amidan
Ngay sau khi cắt amidan, hố mổ có thể bị chảy máu liên tục trong 4 – 6 giờ đồng hồ. Vì vậy trong thời gian này, nên tránh ăn uống và nằm nghiêng để máu, dịch tiết chảy ra bên ngoài. Tránh tình trạng nuốt ngược xuống cổ họng gây ra tình trạng đau bụng – đặc biệt là với trẻ nhỏ.
Trong 24 giờ đầu tiên, nên sử dụng sữa lạnh để giảm sưng đỏ, đau rát ở cổ họng. Ngoài ra, dùng sữa lạnh còn giúp cầm máu và hạn chế tình trạng chảy máu kéo dài hiệu quả. Bên cạnh tác dụng làm dịu vết mổ, thực phẩm này còn cung cấp năng lượng, khoáng chất cần thiết cho cơ thể.
Sữa lạnh được khuyến khích bổ sung trong vòng 24 giờ đầu sau khi phẫu thuật. Tuy nhiên nếu cổ họng đau và phù nề nặng, nên dùng trong 2 ngày để vết mổ cầm máu hẳn. Nếu mắc hội chứng không dung nạp lactose, nên thay thế sữa bò bằng các loại sữa hạt như sữa bắp, sữa đậu xanh, đậu nành, sữa hạnh nhân,…
2. Cháo thịt bằm – Món ăn tốt sau khi cắt amidan
Từ ngày thứ 3 trở đi, bệnh nhân có thể bổ sung cháo thịt bằm hoặc cháo cá (nên nấu lỏng). Khi chế biến món ăn này, nên dùng nước hầm xương để cung cấp thêm protein và khoáng chất cho cơ thể. Ngoài ra, nên nêm nếm nhạt và ăn khi cháo nguội hoàn toàn để tránh kích thích lên vết mổ.
Cháo thịt bằm là món ăn giàu dinh dưỡng tốt cho sức khỏe – đặc biệt là bệnh nhân sau khi phẫu thuật. Không chỉ cung cấp năng lượng cho cơ thể, món ăn này còn chứa hàm lượng protein cao giúp phục hồi thể trạng, giảm tình trạng mệt mỏi và suy nhược sau khi cắt amidan.
Bạn cũng có thể nấu cháo trứng hoặc cá (nên băm nhỏ) để thay đổi hương vị và bổ sung dưỡng chất đa dạng cho cơ thể. Các món ăn này được khuyến khích dùng vào ngày thứ 3 – 4. Đồng thời nên dùng nước suối mát và sữa lạnh để giảm đau rát và sưng nề cổ họng.
3. Nước ép trái cây
Sau khi phẫu thuật cắt amidan, cổ họng rất dễ đau rát khi nhai nuốt thức ăn. Do đó ngoài những bữa ăn chính, bệnh nhân nên bổ sung thêm các loại nước ép trái cây để cung cấp thêm vitamin và khoáng chất cho cơ thể. Hầu hết các loại trái cây đều chứa nhiều thành phần tốt cho hệ miễn dịch, hỗ trợ đẩy nhanh tốc độ lành vết thương và phục hồi thể trạng.
Tuy nhiên, nên tránh sử dụng các loại nước ép chứa nhiều axit như cam chua, cóc, xoài, dứa, dâu tây,… Thay vào đó, nên dùng nước ép bưởi, cà rốt, táo, lê,… để tránh kích thích lên vết mổ và niêm mạc họng xung quanh. Ngoài ra, có thể kết hợp trái cây và một số loại rau, củ như dưa leo, cần tây để gia tăng hương vị và đa dạng thành phần dinh dưỡng.
Hơn nữa, dùng các món ăn mềm, lỏng như cháo và súp rất dễ đói. Do đó sau bữa ăn chính khoảng 2 giờ đồng hồ, bệnh nhân nên dùng 1 ly nước ép trái cây khoảng 300ml để cung cấp thêm năng lượng và dưỡng chất thiết yếu.
4. Thực phẩm giàu vitamin C và Kẽm
Vitamin C và Kẽm là các thành phần tốt cho hệ miễn dịch. Bổ sung các thành phần này giúp thúc đẩy hoạt động của tế bào lympho (tế bào miễn dịch), từ đó tăng tốc độ phục hồi và làm lành vết mổ. Bên cạnh đó, chức năng đề kháng tăng lên còn hỗ trợ giảm nguy cơ viêm nhiễm và các biến chứng hậu phẫu.
Các loại thực phẩm giàu vitamin C và kẽm gồm bưởi, lê, táo, yến mạch, động vật có vỏ (nghêu, sò, hàu, tôm), thịt, nấm, trứng, sữa,… Khi chế biến các thực phẩm này, nên ưu tiên các phương thức như luộc, hấp, nấu súp hoặc canh để tránh kích thích lên vết mổ khi nhai nuốt. Nên bổ sung thực phẩm giàu Kẽm và vitamin C trong suốt 2 tuần đầu sau khi phẫu thuật để vết mổ nhanh lành và thể trạng được phục hồi nhanh chóng hơn.
5. Thực phẩm giàu vitamin K – Hỗ trợ cầm máu, tránh chảy máu kéo dài
Vitamin K là thành phần quan trọng tham gia vào quá trình sản xuất prothrombin – yếu tố cần cho quá trình đông máu. Có thể thấy, vết mổ sau khi cắt amidan rất khó đông do không sử dụng kỹ thuật cầm máu bằng chỉ. Do đó khi ăn uống, thức ăn có thể va chạm với vết mổ và kích thích phản ứng xuất huyết.
Để vết mổ cầm máu nhanh, bệnh nhân nên bổ sung các loại thực phẩm giàu vitamin K như yến mạch, dầu ô liu, củ cải, súp lơ, rau bó xôi,… Khi chế biến, nên hầm nhừ các loại thực phẩm này để giảm áp lực khi nhai nuốt, đồng thời giúp dạ dày dễ dàng tiêu hóa và hấp thu dưỡng chất.
6. Tăng cường bổ sung thực phẩm có tác dụng chống viêm
Sau khi loại bỏ amidan, niêm mạc họng và các cơ quan xung quanh có thể bị viêm và phù nề trong thời gian dài. Tình trạng này không chỉ gây đau mà còn ảnh hưởng đến hoạt động ăn uống và sinh hoạt. Chính vì vậy ngoài những nhóm thực phẩm được đề cập, bệnh nhân cũng có thể bổ sung một số loại thực phẩm có tác dụng chống viêm tự nhiên như:
- Các loại cá béo: Các loại cá béo là nguồn cung cấp cho cơ thể hàm lượng Omega 3 dồi dào. Thành phần này không chỉ tốt cho sức khỏe tim mạch và xương khớp mà còn hỗ trợ giảm sưng viêm, phù nề đáng kể. Các loại cá béo giàu Omega 3 nên bổ sung sau khi cắt amidan bao gồm cá ngừ, cá hồi, cá bơn,…
- Một số loại rau thơm: Khi chế biến cháo hoặc súp, bệnh nhân nên thêm vào 1 ít rau thơm như kinh giới, húng quế,… để hỗ trợ quá trình phục hồi sau khi phẫu thuật cắt amidan. Các loại rau thơm có tác dụng giảm phù nề và chống viêm tự nhiên nhờ chứa nhiều chất khoáng, vitamin và hợp chất chống oxy hóa.
- Gừng: Gừng là loại gia vị quen thuộc có mùi thơm và vị cay nồng. Ngoài tác dụng gia tăng hương vị món ăn, gừng còn có hiệu quả sát trùng, kháng khuẩn và chống viêm. Các nghiên cứu được thực hiện cho thấy, hoạt chất Gingerol trong củ gừng có tác dụng giảm đau tương tự như thuốc chống viêm không steroid (NSAID). Bệnh nhân có thể dùng trà gừng mật ong hoặc thêm vài sợi gừng xắt sợi vào các món cháo để tăng hương vị, giảm cảm giác buồn nôn và sưng đau ở cổ họng.
7. Uống nhiều nước
Trước khi phẫu thuật, bệnh nhân phải nhịn ăn khoảng 6 giờ đồng hồ và ngưng uống nước trong 2 giờ. Vì vậy sau khi cắt amidan, cơ thể dễ bị mất nước và mệt mỏi. Để cân bằng điện giải, bệnh nhân nên bổ sung từ 1.5 – 2 lít nước – đặc biệt là trong vài ngày đầu.
Ngoài nước lọc, có thể dùng thêm nước khoáng, nước ép trái cây và rau củ để cung cấp thêm chất khoáng và vitamin cần thiết cho cơ thể. Bên cạnh đó, bổ sung đủ nước còn giúp làm loãng dịch tiết hô hấp và giảm lượng dịch ứ đọng ở cổ họng.
Nên kiêng gì sau khi cắt amidan?
Vết mổ sau khi cắt amidan cần ít nhất 14 ngày để phục hồi hoàn toàn. Do đó trong thời gian này, bệnh nhân cần kiêng cử một số loại thực phẩm, đồ uống gây kích thích niêm mạc và chảy máu vết mổ. Thực tế, đã có nhiều trường hợp bị xuất huyết thứ phát do thói quen ăn uống không phù hợp.
Để đảm bảo tốc độ phục hồi sau khi cắt amidan, bệnh nhân cần hạn chế, kiêng cử một số loại thực phẩm và thức uống như:
1. Món ăn quá nóng và nhiều gia vị
Sử dụng món ăn chứa nhiều gia vị (đặc biệt là ớt, tiêu, mù tạt,…) và món ăn nóng có thể kích thích lên vết mổ – đặc biệt là trong 7 ngày đầu tiên. Dùng các món ăn này có thể khiến mạch máu giãn nở và dẫn đến xuất huyết thứ phát (xuất huyết xảy ra vào ngày thứ 2 trở đi).
Ngoài ra, nhiệt độ nóng và gia vị cay, mặn còn làm tăng mức độ đau nhức và phù nề ở hai bên thành họng. Đồng thời gây tổn thương các tế bào biểu mô và khiến tốc độ lành thường bị ảnh hưởng đáng kể.
2. Thực phẩm cứng, khô
Tương tự như món ăn cay nóng, thực phẩm khô cứng cũng có thể ma sát lên vết mổ dẫn đến chảy máu và tăng mức độ phù nề, sưng viêm. Do đó trong ít nhất 10 – 14 ngày đầu tiên, bệnh nhân nên tránh dùng các thực phẩm cứng và khô như bánh quy giòn, trái cây sấy, bánh mì khô,…
3. Đồ uống chứa cồn và nước ngọt có gas
Sau khi cắt amidan, cần tránh tuyệt đối nước ngọt có gas và đồ uống chứa cồn. Cồn, axit, hương liệu và chất bảo quản trong các loại thức uống này có thể kích thích lên vết mổ khiến vết mổ lâu lành và có nguy cơ xuất huyết cao. Ngoài ra, uống nhiều rượu bia còn làm giảm chức năng đề kháng của cơ thể và khiến quá trình lành thương diễn ra chậm hơn so với bình thường.
4. Thực phẩm sống, tái
Ít ai biết rằng, sau khi cắt amidan cần kiêng cử các thực phẩm sống và tái. Bởi đa phần các món ăn chưa được làm chín hoàn toàn đều chứa vi khuẩn và ký sinh trùng. Thông thường, các tác nhân này đều bị tiêu diệt bởi dịch dị dạ dày và lợi khuẩn có trong đường ruột. Tuy nhiên trong trường hợp có vết thương hở ở hầu họng, virus và vi khuẩn có thể xâm nhập vào vết mổ, gây ra hiện tượng nhiễm trùng.
Nguyên tắc ăn uống sau cắt amidan
Cắt amidan là kỹ thuật ngoại khoa không quá phức tạp. Tuy nhiên, vì vết mổ nằm ở hai bên thành họng nên tốc độ lành thương thường chậm hơn so với vết mổ ở những vị trí khác. Hơn nữa nếu không ăn uống đúng cách, bệnh nhân có thể phải đối mặt với biến chứng nhiễm khuẩn và xuất huyết thứ phát.
Ngoài việc nắm bắt nên ăn gì, kiêng gì sau khi cắt amidan, bệnh nhân xây dựng chế đô ăn uống theo các nguyên tắc sau:
- Ăn đúng giờ, đủ bữa để tránh cơ thể mệt mỏi và suy nhược. Tình trạng này nhịn ăn, ăn uống kém còn khiến hệ miễn dịch suy giảm và ảnh hưởng đến tốc độ lành thương.
- Ăn chín uống sôi và ăn chậm nhai kỹ.
- Đa dạng các nhóm thực phẩm trong chế độ ăn uống nhằm cung cấp đầy đủ dưỡng chất cho cơ thể.
- Nên chế biến món ăn mềm, lỏng, nêm nếm ít gia vị và để nguội hoàn toàn trước khi dùng
- Nếu cổ họng đau nhiều, nên chia nhỏ bữa ăn để tránh kích thích lên vết mổ.
- Duy trì chế độ ăn đặc biệt trong vòng 14 ngày hoặc lâu hơn nếu vết mổ chưa lành hẳn. Ngoài ra, cần chú ý sinh hoạt và vệ sinh răng miệng đúng cách để ngăn ngừa viêm nhiễm và xuất huyết thứ phát.
Bài viết đã tổng hợp các thông tin giải đáp “Sau khi cắt amidan nên ăn gì, kiêng gì?”. Hy vọng qua những chia sẻ trên, bệnh nhân có thể xây dựng thực đơn ăn uống phù hợp để hỗ trợ phục hồi vết mổ. Tuy nhiên ngoài chế độ dinh dưỡng, cần chú ý thói quen sinh hoạt và sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!