Viêm amidan mãn tính có nguy hiểm không? Điều trị thế nào?
Viêm amidan mãn tính là tình trạng amidan bị viêm nhiễm kéo dài và tái phát nhiều lần. Bệnh tiến triển dai dẳng với biểu hiện lâm sàng tương đối đa dạng. Tùy theo khả năng đáp ứng và mức độ viêm nhiễm ở amidan, bác sĩ có thể chỉ định điều trị nội khoa hoặc can thiệp phẫu thuật.
Viêm amidan mãn tính là gì?
Viêm amidan mãn tính là tình trạng amidan bị viêm kéo dài và tái đi tái lại nhiều lần. Bệnh có thể gặp ở trẻ nhỏ và người lớn với triệu chứng cơ năng, thực thể đa dạng. Tình trạng viêm tái phát nhiều lần không chỉ gây khó chịu, nuốt vướng mà còn khiến amidan gia tăng kích thước (quá phát) hoặc xơ, teo.
Amidan là tổ chức lympho nằm ở hai bên hầu họng có tác dụng chính là bắt giữ và tiêu diệt các tác nhân nhiễm trùng như virus, vi khuẩn, nấm mốc,… Tuy nhiên, amidan có cấu tạo với bề mặt nhiều rãnh, kẽ và hốc nên tác nhân nhiễm trùng rất dễ trú ngụ và phát triển. Cũng vì cấu tạo đặc biệt nên tình trạng viêm nhiễm amidan có xu hướng tái phát nhiều hơn so với các bệnh viêm đường hô hấp khác như viêm họng, viêm thanh quản, viêm VA,…
Khác với viêm amidan cấp, viêm amidan mãn tính khởi phát triệu chứng chậm, âm ỉ nhưng dai dẳng. Vì vậy, đa phần các trường hợp mắc bệnh lý này đều đáp ứng kém với sử dụng thuốc. Nếu viêm amidan tái phát nhiều và có hiện tượng phì đại gây ngưng thở khi ngủ, bác sĩ có thể cân nhắc can thiệp ngoại khoa.
Nguyên nhân gây bệnh viêm amidan mãn tính
Thông thường, viêm amidan cấp tính thường khởi phát do virus và vi khuẩn. Tuy nhiên ở viêm amidan mãn tính, nguyên nhân thường do nhiễm các loại vi khuẩn như:
- Liên cầu khuẩn
- Tụ cầu khuẩn
- Xoắn khuẩn
- Các chủng yếm khí và ái khí
Nhiễm khuẩn là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến viêm amidan nói chung và viêm amidan mãn tính nói riêng. Tuy nhiên, nguy cơ mắc bệnh có thể tăng lên đáng kể nếu có những yếu tố thuận lợi như:
- Sức đề kháng suy yếu
- Sinh sống trong môi trường ô nhiễm, chất lượng không khí thấp
- Thời tiết thay đổi đột ngột
- Điều kiện sinh hoạt thấp, thói quen vệ sinh kém
- Có các ổ viêm mãn tính lân cận như viêm xoang, viêm VA, viêm lợi và sâu răng
Amidan là cơ quan miễn dịch hoạt động mạnh từ giai đoạn 4 – 14 tuổi, vì lúc này chức năng đề kháng của cơ thể chưa hoàn thiện. Vào thời điểm dậy thì, hệ miễn dịch của cơ thể tăng lên, chức năng của amidan và VA sẽ suy giảm dần theo thời gian. Do đó, viêm amidan ảnh hưởng nhiều đến trẻ nhỏ và người trẻ tuổi.
Tuy nhiên khác với viêm amidan cấp, viêm amidan mãn tính cũng có thể ảnh hưởng đến người lớn do vi khuẩn trú ngụ lâu ngày và bùng phát khi có điều kiện thuận lợi.
Dấu hiệu nhận biết bệnh viêm amidan mãn tính
Viêm amidan mãn tính có 2 thể lâm sàng là viêm amidan quá phát và viêm amidan thể xơ teo. Một số tài liệu còn đề cập đến viêm amidan hốc mủ. Tuy nhiên trên thực tế, viêm amidan hốc mủ là biểu hiện amidan sưng viêm, xuất hiện các ổ mủ trong kẽ, hốc. Tình trạng này xảy ra hầu hết trong tất cả các giai đoạn của viêm amidan mãn tính.
Viêm amidan mãn tính có biểu hiện tương đối đa dạng. Để nhận biết bệnh, bệnh nhân có thể dựa vào một số triệu chứng sau:
– Triệu chứng cơ năng:
- Có cảm giác nuốt vướng ở cổ họng đi kèm với tình trạng đau rát, đôi khi cơn đau lan lên tai gây ra cảm giác rất khó chịu
- Khi nuốt có cảm giác có dị vật bên trong cổ họng nên đa phần bệnh nhân thường có dấu hiệu đằng hắng
- Hơi thở có mùi hôi ngay cả khi đã vệ sinh răng miệng thường xuyên
- Thỉnh thoảng có gây ho nhưng không nhiều
- Trẻ nhỏ có dấu hiệu ngủ ngáy to, thở kho khè
- Khạc ra bã đậu có màu trắng đục hoặc vàng nhạt
– Triệu chứng thực thể:
Viêm amidan mãn tính đặc trưng bởi tình trạng xuất hiện mủ trắng và bã đậu ở các khe, hốc trên bề mặt của amidan. Ngoài ra, triệu chứng thực thể còn có sự khác biệt tùy theo thể bệnh. Dựa vào triệu chứng lâm sàng, viêm amidan mãn tính được chia thành 2 thể sau:
- Viêm amidan thể quá phát: Bệnh ảnh hưởng chủ yếu đến trẻ nhỏ, thường là hệ quả do viêm amidan cấp tái phát nhiều lần. Thể bệnh này đặc trưng bởi tình trạng amidan ở hai bên thành họng gia tăng kích thước khiến eo họng bị thu hẹp. Tình trạng amidan quá phát gây ra không ít phiền toái trong hoạt động ăn uống, giao tiếp và hô hấp.
- Viêm amidan thể xơ teo: Thể bệnh này chủ yếu gặp ở người trường thành do vi khuẩn trú ngụ và phát triển lâu ngày. Thể xơ teo đặc trưng bởi tình trạng amidan thu nhỏ kích thước, bề mặt gồ ghề, xuất hiện các xơ trắng và có màu đỏ thẫm. Tổ chức amidan cứng chắc, khi nhấn vào nhận thấy dịch mủ tiết ra từ các hốc, khe kẽ.
- Cả hai thể bệnh này đều khiến hạch ở góc hàm sưng to hơn bình thường. Tuy nhiên, triệu chứng này thường rõ rệt hơn ở trẻ nhỏ
Viêm amidan mãn tính có nguy hiểm không?
Viêm amidan mãn tính là bệnh hô hấp khá phổ biến ở cả người lớn và trẻ nhỏ. Có thể thấy, bệnh lý này gây ra không ít triệu chứng khó chịu như đau họng, nuốt vướng, ho, khàn tiếng, đằng hằng thường xuyên,… Các triệu chứng của viêm amidan mãn tính thường khởi phát chậm, âm ỉ nhưng dai dẳng, tái phát nhiều lần. Tình trạng tái đi tái lại không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn khiến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân giảm đi đáng kể.
Hơn nữa, ổ vi khuẩn trú ngụ trong amidan có thể lây lan sang những cơ quan khác và gây ra hàng loạt các biến chứng nặng nề nếu không thăm khám, điều trị sớm. Các biến chứng thường gặp của bệnh viêm amidan mãn tính:
- Áp xe quanh amidan
- Viêm tấy amidan
- Viêm tấy thành bên họng hoặc hạch dưới hàm
- Viêm nội tâm mạc
- Viêm cầu thận
- Viêm khớp
- Nhiễm khuẩn huyết
Dù là bệnh hô hấp khá phổ biến nhưng viêm amidan mãn tính gây ra nhiều ảnh hưởng đối với cuộc sống và sức khỏe. Vì vậy, bệnh nhân không nên chủ quan khi nhận thấy các triệu chứng bất thường. Để phòng ngừa biến chứng do viêm amidan mãn tính gây ra, bệnh nhân cần chủ động thăm khám và can thiệp các biện pháp điều trị kịp thời.
Chẩn đoán bệnh viêm amidan mãn tính
Trước khi điều trị, bệnh nhân cần thực hiện các kỹ thuật lâm sàng và cận lâm sàng theo hướng dẫn của bác sĩ. Để chẩn đoán viêm amidan mãn tính, bác sĩ có thể yêu cầu thực hiện các kỹ thuật sau:
- Khám lâm sàng: Bao gồm khám cổ họng để quan sát tổn thương thực thể và thu thập triệu chứng mà bệnh nhân gặp phải. Ngoài ra để loại trừ các bệnh lý có triệu chứng tương tự, bác sĩ có thể yêu cầu nội soi thanh quản.
- Xét nghiệm máu: Xét nghiệm máu là một trong những kỹ thuật cận lâm sàng được áp dụng phổ biến trong chẩn đoán viêm amidan mãn tính. Xét nghiệm này có thể phát hiện được sự hiện diện của vi khuẩn thông qua tốc độ lắng máu, số lượng bạch cầu,…
- Xét nghiệm nước tiểu: Xét nghiệm nước tiểu chỉ được thực hiện nếu nghi ngờ đã phát sinh biến chứng viêm cầu thận cấp. Biến chứng này biểu hiện qua một số dấu hiệu như nước tiểu có màu bất thường hoặc tiểu ra máu.
Các phương pháp điều trị bệnh viêm amidan mãn tính
Nhiều bệnh nhân cho rằng, tất cả các trường hợp viêm amidan mãn tính đều phải can thiệp phẫu thuật để cắt bỏ. Tuy nhiên trên thực tế, phương pháp này chỉ được thực hiện khi cần thiết. Điều trị ưu tiên đối với bệnh lý này vẫn là các phương pháp nội khoa.
1. Điều trị nội khoa (điều trị bảo tồn)
Viêm amidan mãn tính không gây ra triệu chứng ồ ạt, rầm rộ như viêm amidan cấp tính. Vì vậy, điều trị bệnh lý này chủ yếu là sử dụng kháng sinh và một số loại thuốc điều trị triệu chứng.
Các loại thuốc được sử dụng để điều trị viêm amidan mãn tính:
- Kháng sinh: Trước khi sử dụng kháng sinh, bác sĩ sẽ yêu cầu quẹt mủ, dịch tiết ở amidan soi cấy vi khuẩn để làm kháng sinh đồ. Kháng sinh có thể được dùng bằng đường uống hoặc đường tiêm tùy theo mức độ nhiễm khuẩn (đã phát sinh biến chứng hay chưa).
- Thuốc giảm ho: Viêm amidan mãn tính có thể gây ho kèm theo ngứa ngáy cổ họng. Để giảm triệu chứng này, bệnh nhân có thể sử dụng như Dextromethorphan và Codein. Với trẻ nhỏ, bác sĩ có thể chỉ định dùng thuốc ho thảo dược để giảm thiểu tác dụng không mong muốn.
- Thuốc kháng viêm dạng ngậm: Thuốc kháng viêm dạng ngậm (Alpha Choay) được sử dụng để giảm mức độ viêm và phù nề của amidan, niêm mạc họng. Thuốc được ngậm dưới lưỡi với liều 4 – 6 viên/ngày. Tuy nhiên, thuốc không được sử dụng cho người bị dị ứng thịt bò và người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính.
- Dung dịch sát trùng: Bên cạnh sử dụng thuốc uống, bệnh nhân có thể súc miệng bằng các dung dịch sát trùng 2 – 3 lần/ ngày để loại bỏ vi khuẩn và làm sạch khoang miệng. Ngoài ra, duy trì thói quen súc miệng với dung dịch sát trùng 1 – 2 lần/ ngày còn giúp phòng ngừa viêm amidan và các bệnh hô hấp tái phát đáng kể.
Viêm amidan mãn tính có đặc tính dai dẳng, dễ tái phát. Vì vậy bên cạnh tân dược, bệnh nhân cũng có thể tận dụng một số loại thảo dược tự nhiên như mật ong, trầu không, bạc hà, lá tía tô, củ cải,… để giảm nhẹ các triệu chứng của bệnh. So với thuốc Tây, các loại thảo dược tự nhiên có độ an toàn cao và không gây ra tác dụng phụ khi sử dụng lâu dài.
2. Phẫu thuật cắt amidan
Cắt amidan là phương pháp ngoại khoa được thực hiện nhằm loại bỏ hoàn toàn tổ chức amidan trong hầu họng. Tuy nhiên, phương pháp này cần được cân nhắc kỹ lưỡng trước khi thực hiện.
Chỉ định cắt amidan trong những trường hợp sau:
- Viêm amidan tái đi tái lại từ 5 – 7 lần/ năm
- Viêm amidan mãn tính gây hôi miệng dai dẳng và không có đáp ứng với điều trị nội khoa
- Viêm amidan quá phát có kích thước lớn gây ngủ ngáy, khó thở, ăn uống kém và ngưng thở khi ngủ
- Viêm amidan mãn tính làm phát sinh biến chứng áp xe quanh amidan từ 1 – 2 lần/ năm
- Viêm amidan đã gây ra các biến chứng xa như viêm cầu thận, thấp khớp và thấp tim
Tuy nhiên, cắt amidan là phương pháp xâm lấn nên có thể gây ra rủi ro và biến chứng. Để đảm bảo an toàn, phương pháp này chống chỉ định với những trường hợp sau:
- Chống chỉ định tuyệt đối: Bệnh nhân bị rối loạn đông máu, suy thận giai đoạn mất bù, suy tim và cao huyết áp.
- Chống chỉ định tương đối: Đang có viêm họng/ viêm amidan cấp, áp xe amidan, đang có nhiễm khuẩn cấp (viêm xoang, viêm mũi, mụn nhọt), nhiễm virus cấp (sốt xuất huyết, bại liệt, sởi, cúm, ho gà,…), xuất hiện các biến chứng của viêm amidan cấp (hết đợt cấp mới có thể phẫu thuật), các bệnh mãn tính như lao, giang mai, tiểu đường, viêm gan,… chưa được kiểm soát, trẻ dưới 5 tuổi và người trên 30 tuổi, thời tiết quá nóng hoặc quá lạnh, đang tiêm chủng, sử dụng thuốc nội tiết,…
Tùy theo đối tượng và kích thước của amidan, bác sĩ có thể chỉ định cắt amidan bằng dao Sluder Ballenger, phương pháp tách thòng lọng, cắt bằng Coblater hoặc cắt bằng tia laser. Sau khi phẫu thuật, nên sử dụng thuốc và chăm sóc theo đúng hướng dẫn của bác sĩ để vết mổ nhanh lành và tránh biến chứng phát sinh.
3. Các biện pháp hỗ trợ
Bên cạnh các phương pháp y tế, bệnh nhân nên áp dụng thêm một số biện pháp chăm sóc để hỗ trợ quá trình điều trị viêm amidan mãn tính.
Các biện pháp hỗ trợ điều trị bệnh viêm amidan mãn tính:
- Uống nhiều nước, bổ sung thêm chất khoáng và vitamin trong thời gian điều trị để nâng cao thể trạng và hệ miễn dịch. Ngoài ra, nên sử dụng món ăn mềm, lỏng để tránh tình trạng khó nuốt, vướng nghẹn.
- Súc miệng bằng nước muối thường xuyên để làm sạch khoang miệng. Hoặc có thể dùng nước gừng, nước sắc lá trầu không,… để súc miệng nhằm loại bỏ mùi hôi do các hốc mủ ở amidan gây ra.
- Chú ý vệ sinh tai mũi họng trong thời gian bị viêm amidan mãn tính. Vệ sinh kém tạo môi trường thuận lợi để vi khuẩn lây lan và phát triển mạnh.
- Tránh tiếp xúc với người mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp. Virus và vi khuẩn xâm nhập có thể gây ra các đợt viêm amidan cấp trong thời gian tiến triển của viêm amidan mãn tính.
Cách phòng ngừa viêm amidan mãn tính tái phát
Viêm amidan mãn tính có đặc tính dai dẳng, âm ỉ và dễ tái phát – đặc biệt là với những trường hợp chưa phẫu thuật cắt amidan. Vì vậy sau khi điều trị, bệnh nhân cần thực hiện một số biện pháp để ngăn ngừa bệnh tái phát như:
- Vệ sinh răng miệng đúng cách để tránh sự xâm nhập của hại khuẩn. Đồng thời ức chế sự phát triển quá mức của virus và vi khuẩn thường trú trong khoang miệng.
- Giải quyết triệt để các ổ viêm như viêm VA, viêm xoang, viêm mũi, viêm nướu, sâu răng,… Vi khuẩn từ các cơ quan này có thể di chuyển trên amidan, trú ngụ và phát triển trong các hốc, khe kẽ.
- Đeo khẩu trang khi di chuyển ngoài trời hoặc đến những nơi đông người. Ngoài ra, cần hạn chế tiếp xúc thân mật với những người đang bị viêm nhiễm đường hô hấp cấp.
- Thể trạng và hệ miễn dịch khỏe mạnh có thể giảm nguy cơ tái phát viêm amidan đáng kể. Vì vậy, bệnh nhân nên ăn uống điều độ, sinh hoạt khoa học và tập thể dục thường xuyên để nâng cao sức khỏe.
- Cân nhắc phẫu thuật cắt amidan đến bệnh tái phát nhiều lần.
Viêm amidan mãn tính là bệnh hô hấp khá phổ biến ở người lớn và trẻ nhỏ. Bệnh có tiến triển dai dẳng, mãn tính và rất dễ gây ra biến chứng nếu không có phương án điều trị và xử lý kịp thời. Vì vậy ngay khi phát hiện các dấu hiệu bất thường, bệnh nhân cần tìm gặp bác sĩ để được thăm khám và tư vấn phương pháp điều trị phù hợp.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!