Cách phòng ngừa và chăm sóc bệnh nhân bị vảy nến
Mặc dù là bệnh da liễu lành tính nhưng vảy nến có tiến triển dai dẳng, dễ tái phát và chưa có phương pháp điều trị dứt điểm. Chính vì vậy bên cạnh các phương pháp y tế, cần lập kế hoạch chăm sóc và phòng ngừa vảy nến tái phát để quản lý bệnh thành công.
Lập kế hoạch chăm sóc bệnh nhân vảy nến
Vảy nến (vẩy nến) là bệnh da liễu mãn tính có liên quan đến rối loạn tăng sinh tế bào thượng bì. Thống kê cho thấy, bệnh lý này ảnh hưởng khoảng 1.5 – 2% dân số thế giới. Vảy nến có nhiều thể lâm sàng nhưng đa phần đều lành tính và hiếm khi ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.
Mặc dù có tính chất lành tính nhưng vảy nến là dạng viêm da dai dẳng, dễ tái phát và hiện tại chưa thể điều trị dứt điểm. Các phương pháp y tế chỉ có thể kiểm soát triệu chứng lâm sàng, hoàn toàn không có khả năng ngăn ngừa bệnh tái phát. Do đó trong giai đoạn bệnh bùng phát mạnh, cần phải lập kế hoạch chăm sóc bệnh nhân vảy nến để đảm bảo hiệu quả điều trị.
Kế hoạch chăm sóc bệnh nhân vảy nến bao gồm 2 bước chính là kiểm soát tổn thương da hay còn gọi là duy trì tính toàn vẹn của da. Đồng thời cần chăm sóc tinh thần để bệnh nhân yên tâm điều trị, tránh tâm lý bi quan và suy sụp.
1. Các biện pháp giảm tổn thương da
Tổn thương da do vảy nến ảnh hưởng nhiều đến ngoại hình và thẩm mỹ. Ngoài ra ở một số trường hợp, bệnh nhân cũng có thể bị ngứa ngáy và khó chịu. Nếu mắc các thể bệnh ít gặp như vảy nến thể mủ, vảy nến thể đỏ da toàn thân,… tính toàn vẹn của da bị ảnh hưởng nghiêm trọng và gây ra các triệu chứng có mức độ nặng như da căng rát, đau nhức, ngứa nhiều. Chính vì vậy, biện pháp quan trọng nhất khi chăm sóc bệnh nhân vảy nến là kiểm soát và cải thiện tổn thương da.
Để duy trì tính toàn vẹn của da, cần thực hiện các bước sau:
- Động viên bệnh nhân tích cực điều trị để cải thiện tình trạng sức khỏe và phục hồi tổn thương da
- Nếu tổn thương da gây ngứa nhiều, cần dặn dò bệnh nhân hạn chế gãi cào. Tác động cơ học có thể khiến da bị rỉ máu, căng rát và ngứa ngáy nặng hơn.
- Đối với các thể đặc biệt, tổn thương da do vảy nến rất dễ bị nhiễm khuẩn. Do đó, cần hướng dẫn bệnh nhân cách vệ sinh để phòng ngừa viêm nhiễm. Đồng thời tư vấn dinh dưỡng để bệnh nhân duy trì thể trạng khỏe mạnh, tránh sụt cân và suy nhược.
- Hướng dẫn bệnh nhân sử dụng thuốc bôi và thuốc uống.
- Kiểm tra tình trạng da và phát hiện sớm tác dụng phụ của thuốc.
2. Chăm sóc tinh thần cho bệnh nhân
Bệnh nhân vảy nến thuộc tuýp thần kinh dễ lo âu và kích động. Đa phần các bệnh nhân đều lo lắng, e ngại về ngoại hình khi phát hiện bệnh và hình thành tâm lý lo âu hoặc thậm chí là trầm cảm khi bệnh tái đi tái lại nhiều lần. Do đó ngoài các biện pháp giảm tổn thương da, bệnh nhân cần được chăm sóc tinh thần để yên tâm hơn trong quá trình điều trị.
Chăm sóc tinh thần bao gồm động viên và giải thích tình trạng bệnh để bệnh nhân hiểu rõ về đặc tính của vảy nến, từ đó giảm lo lắng về ảnh hưởng của bệnh đối với sức khỏe. Với những bệnh nhân suy sụp và lo âu nhiều, có thể cân nhắc trị liệu tâm lý nếu cần thiết.
Cách phòng ngừa bệnh vảy nến tái phát
Vảy nến là bệnh da liễu lành tính nhưng chưa có phương pháp điều trị dứt điểm. Mặc dù đáp ứng tốt với điều trị nhưng bệnh chỉ tạm khỏi về mặt lâm sàng. Sau một thời gian nhất định, gen gây bệnh tiếp tục bị kích hoạt và bùng phát triệu chứng. Do đó ngoài các phương pháp điều trị và cải thiện, bệnh nhân cũng nên áp dụng một số biện pháp để giảm nguy cơ bệnh tái phát.
Dưới đây là một số cách phòng chống vảy nến tái phát hiệu quả:
1. Hạn chế chất kích thích
Bệnh nhân bị vảy nến có hệ thần kinh trung ương khá nhạy cảm. Do đó, bệnh nhân cần phải hạn chế các chất kích thích như cà phê, rượu bia và thuốc lá. Các chất kích thích làm tăng độ nhạy cảm của hệ thần kinh trung ương. Qua đó khiến bệnh bùng phát mạnh và có nguy cơ tái phát cao hơn so với bình thường.
Ở trong giai đoạn bệnh bùng phát mạnh, sử dụng các chất kích thích còn làm nghiêm trọng tổn thương da (tăng mức độ viêm, ngứa, đẩy nhanh quá trình sản sinh vảy bong,…). Vì vậy trong tất cả các giai đoạn của bệnh, bệnh nhân vảy nến cần hạn chế tối đa việc sử dụng các chất kích thích kể trên.
2. Tránh căng thẳng thần kinh
Căng thẳng thần kinh là một trong những yếu tố khởi động gen gây bệnh nằm trên nhiễm sắc thể số 6. Gen gây bệnh vảy nến có khả năng hoạt hóa tế bào lympho T ở da, qua đó tăng phóng thích các thành phần trung gian, dẫn đến rối loạn hoạt động sản sinh tế bào thượng bì và kết quả là hình thành các mảng/ đốm phát ban, bề mặt có nhiều vảy trắng xếp chồng lên nhau.
Kiểm soát căng thẳng được xem là biện pháp quan trọng trong chăm sóc và phòng tránh vảy nến tái phát. Để hạn chế tình trạng này, bệnh nhân cần tránh suy nghĩ quá nhiều, tập thể dục thường xuyên, cân đối thời gian làm việc – nghỉ ngơi và sinh hoạt điều độ.
3. Giữ vệ sinh cơ thể
Vảy nến đặc trưng bởi tình trạng da đỏ và tăng sinh tế bào thượng bì liên tục. Chính vì vậy, vùng da tổn thương rất dễ bị nhiễm trùng do nấm và vi khuẩn. Để phòng ngừa bệnh tái phát và chuyển biến nặng, bệnh nhân cần tắm rửa 1 – 2 lần/ ngày. Nên tắm bằng nước ấm để làm mềm và loại bỏ vảy trắng tích tụ. Qua đó giảm nhẹ tổn thương da và hạn chế tần suất – thời gian sử dụng thuốc đáng kể.
4. Dưỡng ẩm da thường xuyên
Dưỡng ẩm da thường xuyên là cách đơn giản để giảm tăng sinh vảy bong, đồng thời phục hồi vùng da tổn thương và nâng cao khả năng miễn dịch của da rõ rệt. Dù không thể phòng ngừa bệnh hoàn toàn nhưng dưỡng ẩm giúp giảm nhẹ triệu chứng của bệnh khi bùng phát.
Một số loại kem dưỡng còn được bổ sung thành phần giảm ngứa (Menthol, Oats Extract) và phục hồi da (Panthenol, Vitamin E,…). Sử dụng các sản phẩm này có thể giảm mức độ triệu chứng, cải thiện tình trạng viêm đỏ và hỗ trợ điều hòa quá trình sản sinh tế bào thượng bì.
Tuy nhiên, bệnh nhân nên tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn sản phẩm phù hợp với loại da. Tránh sử dụng các sản phẩm kem dưỡng không rõ nguồn gốc và xuất xứ.
5. Tắm nắng 5 – 10 phút mỗi ngày
Tắm nắng là phương pháp điều trị vảy nến mang lại hiệu quả rõ rệt. Ngoài ra, duy trì thói quen này còn giúp điều biến miễn dịch và giảm nguy cơ bệnh tái phát đáng kể.
Ánh nắng mặt trời cung cấp tia UVA và UVB cho cơ thể. Nghiên cứu cho thấy, tia cực tím có khả năng giảm số lượng và hoạt động của các tế bào lympho T trong cấu trúc da. Như đã biết, tế bào lympho T là yếu tố kích thích sản sinh các thành phần trung gian và enzyme gây rối loạn hoạt động sản xuất tế bào sừng.
Ngoài ra, ánh nắng mặt trời còn cung cấp vitamin D cho cơ thể. Thống kê cho thấy, đa phần bệnh nhân bị vảy nến đều thiếu hụt vitamin D. Mặc dù không phải là nguyên nhân gây bệnh nhưng thiếu vitamin D làm tăng mức độ rối loạn của hoạt động tăng sinh tế bào thượng bì. Bằng cách bổ sung vitamin D cho cơ thể, tắm nắng giúp điều biến miễn dịch da và giảm nhẹ các triệu chứng của bệnh vảy nến đáng kể.
6. Kiêng cử một số loại thực phẩm
Vảy nến là bệnh da liễu mãn tính có liên quan đến rối loạn quá trình tăng sinh tế bào thượng bì. Gen gây bệnh bị kích thích bởi nhiều yếu tố nhưng hầu như không có liên quan đến phản ứng dị ứng như chàm hay mề đay mẩn ngứa.
Tuy nhiên, sử dụng thực phẩm dị ứng có thể làm tăng mức độ ngứa và viêm ở vùng da tổn thương. Vì vậy, bệnh nhân bị vảy nến cần hạn chế một số loại thực phẩm như thực phẩm có tiền sử dị ứng, thực phẩm có vị tanh (cua, mực, cá biển, ghẹ), măng, thực phẩm chứa nhiều đường và chất béo bão hòa.
7. Hạn chế tiếp xúc với hóa chất
Triệu chứng của vảy nến có thể chuyển biến nặng và tái phát với tần suất thường xuyên hơn khi tiếp xúc với các hóa chất như chất tẩy rửa, xà phòng, sữa tắm, dầu gội, thuốc nhuộm tóc,… Vì vậy, bệnh nhân nên hạn chế tiếp xúc với các sản phẩm chứa thành phần dễ kích ứng. Để đảm bảo an toàn, nên lựa chọn sản phẩm có độ pH cân bằng, thành phần lành tính, nhẹ dịu hoặc dùng sản phẩm dành riêng cho người bị vảy nến.
8. Bổ sung vitamin, khoáng chất cho cơ thể
Một cách đơn giản khác để phòng chống tái phát bệnh vảy nến là tăng cường bổ sung vitamin và khoáng chất cho cơ thể. Nếu có chỉ định, bệnh nhân có thể bổ sung vitamin và chất khoáng như vitamin A, C, H3, B12,… ở dạng tổng hợp. Hoặc có thể bổ sung thông qua các nhóm thực phẩm lành mạnh như rau xanh, củ, trái cây, trứng, các loại cá béo, thịt gà, các loại hạt,…
Vitamin và khoáng chất có vai trò tăng cường hệ miễn dịch, qua đó giảm mức độ nhạy cảm của cơ thể với các yếu tố kích thích. Ngoài ra, các thành phần dinh dưỡng này còn giúp phục hồi và cải thiện tế bào hư tổn. Đồng thời gia tăng hàng rào bảo vệ da trước các yếu tố có hại từ môi trường.
9. Ngủ đúng giờ và đủ giấc
Tình trạng ngứa ngáy, đau rát do vảy nến gây ra có thể gây ra tình trạng khó ngủ, ngủ kém. Chất lượng giấc ngủ đi xuống làm tăng nguy cơ rối loạn lo âu và căng thẳng thần kinh quá mức, từ đó gián tiếp ảnh hưởng đến tiến triển của bệnh. Chính vì vậy, bệnh nhân cần chú ý về chất lượng và thời gian ngủ.
Ngủ đủ giấc giúp giải tỏa căng thẳng và giảm mức độ của hệ thần kinh trung ương. Đồng thời nâng cao hệ miễn dịch và phục hồi tổn thương da. Thực tế cho thấy, chất lượng giấc ngủ được cải thiện có thể giảm nhẹ triệu chứng và hạn chế nguy cơ vảy nến tái phát đáng kể.
Bài viết đã tổng hợp các thông tin liên quan đến vấn đề phòng ngừa và lên kế hoạch chăm sóc bệnh vảy nến. Tuy nhiên để được hướng dẫn một cách cụ thể hơn, bệnh nhân nên tìm gặp và trao đổi với bác sĩ chuyên khoa Da liễu.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!