Sưng amidan nhưng không đau không sốt có tự khỏi không?
Sưng amidan nhưng không đau, không sốt có thể là biểu hiện của bệnh viêm amidan mãn tính, sỏi amidan, phì đại amidan hoặc thậm chí là ung thư amidan. Thực tế cho thấy, tình trạng này không thể tự khỏi nếu không tiến hành thăm khám và can thiệp các biện pháp điều trị.
Sưng amidan nhưng không đau, không sốt là bị gì?
Amidan là tổ chức lympho nằm ở vòm mũi họng, lưỡi và hai bên thành họng có vai trò bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân có hại. Cơ quan này hoạt động mạnh nhất từ 4 – 14 tuổi và giảm dần khi hệ miễn dịch phát triển hoàn chỉnh.
Mặc dù có chức năng bảo vệ cơ thể nhưng amidan (đặc biệt amidan khẩu cái) có cấu tạo nhiều hốc, kẽ, khe, tạo điều kiện thuận lợi cho hại khuẩn và virus trú ngụ, phát triển. Vì vậy, amidan rất dễ bị sưng viêm và phù nề. Viêm amidan là bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ với biểu hiện đặc trưng là amidan phù nề, sưng viêm, đau cổ họng kèm sốt, rét run và ớn lạnh.
Tuy nhiên ở một số trường hợp, amidan có thể bị sưng một hoặc hai bên nhưng không đi kèm sốt và đau nhức. Trong trường hợp này, nguyên nhân có thể do:
1. Biểu hiện của viêm amidan mãn tính
Viêm amidan mãn tính là tình trạng amidan bị viêm nhiễm kéo dài và tái đi tái lại thường xuyên. Khác với viêm amidan cấp, viêm amidan mãn tính không gây sốt, mệt mỏi, đau đầu mà chủ yếu gây ra các triệu chứng tại chỗ.
Bệnh lý này điển hình với tình trạng họng đau hoặc không đau, nuốt vướng, ho khan, thở khò khè, ngủ ngáy và hôi miệng. Khi quan sát vòm họng, bạn có thể nhận thấy amidan sưng to bất thường, các khe kẽ và hốc có nhiều bã đậu, mủ trắng.
2. Phì đại amidan
Phì đại amidan xảy ra khi amidan khẩu cái nằm ở hai bên thành họng bị sưng to bất thường. Tình trạng này thường gặp ở trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ từ 7 – 14 tuổi. Nguyên nhân gây phì đại amidan là do amidan bị viêm nhiễm trong thời gian dài. Để chống lại sự xâm nhập của vi khuẩn, amidan phải sản sinh kháng thể liên tục. Kết quả là khiến các tế bào lympho bị kích thích quá mức và sưng to hơn bình thường.
Ngoài ra, nguy cơ mắc bệnh lý này còn tăng lên khi có những yếu tố thuận lợi như tiền sử gia đình bị phì đại amidan, cơ địa dị ứng và mắc các bệnh dị ứng quanh năm. Bệnh lý này đặc trưng bởi tình trạng amidan sưng to bất thường. Ở một số trường hợp, amidan gia tăng kích thước khiến eo họng bị thu hẹp, cổ họng nghẹn vướng khi ăn, thở khò khè, khàn tiếng,…
Tương tự như viêm amidan mãn tính, phì đại amidan thường không gây sốt hoặc đau. Tuy nhiên ở một số trường hợp, cổ họng có thể bị đau khi ăn uống do thức ăn ma sát với thành họng. Ngoài ra, phì đại amidan còn có một số biểu hiện khác như giảm thính lực, viêm tai mãn tính, chán ăn, ăn uống kém và hôi miệng kéo dài.
3. Sỏi amidan – Bệnh lý gây sưng amidan nhưng không sốt
Sỏi amidan là tình trạng sỏi xuất hiện bên trong các hốc, khe kẽ của amidan (thường là amidan khẩu cái). Sỏi thường có màu trắng hoặc vàng, cứng chắc, có thể chìm hoặc hiện rõ trên bề mặt. Nguyên nhân gây sỏi amidan là do thức ăn, tế bào chết tích tụ trong kẽ, hốc của amidan. Sau đó, vi khuẩn xâm nhập vào cơ quan này gây ra hiện tượng khoáng hóa, dẫn đến sự hình thành của các sỏi amidan.
Sỏi amidan là bệnh lý khá phổ biến ở người trưởng thành. Bệnh lý này gần như không ảnh hưởng đến sức khỏe và ít khi gây ra biến chứng nguy hiểm. Tuy nhiên, sỏi amidan khiến amidan sưng to kèm theo chứng khó nuốt, nghẹn vướng khi ăn uống, hôi miệng và giảm thính lực. Như vậy có thể thấy, sưng amidan nhưng không đau không sốt cũng có thể là dấu hiệu của bệnh lý này.
4. Sưng amidan do các bệnh nha khoa
Trong một số trường hợp, sưng amidan không gây sốt, không đau cũng có thể bắt nguồn từ các bệnh nha khoa (sâu răng, viêm nướu). Như đã biết, amidan là tổ chức lympho có khả năng tiêu diệt virus, vi khuẩn và các tác nhân có hại khác. Do đó khi các ổ viêm nhiễm ở răng, nướu tiến triển dai dẳng, amidan có xu hướng sản sinh kháng thể để bảo vệ cơ thể. Tình trạng này khiến amidan sưng to nhưng thường không gây đau hoặc sốt.
Sưng amidan do các bệnh nha khoa thường xảy ra khi tình trạng sâu răng, viêm nướu xuất hiện ở răng số 7 hoặc số 8 (gần với vị trí của amidan). Nếu xảy ra do nguyên nhân này, amidan thường bị sưng 1 bên.
5. Ung thư amidan
Ung thư amidan là một trong những loại ung thư tai mũi họng thường gặp, ảnh hưởng chủ yếu đến người từ 40 – 60 tuổi. Nguyên nhân gây ra bệnh lý này được cho là có liên quan đến thói quen sử dụng rượu bia kéo dài, hút thuốc lá và nhiễm chủng virus HPV như type 2, 11 và 16. Ngoài ra, thường xuyên tiếp xúc với hóa chất và bụi mịn cũng có thể làm tăng nguy cơ ác tính hóa tế bào amidan.
Mặc dù là bệnh nguy hiểm nhưng ung thư amidan có triệu chứng rất mờ nhạt. Ở giai đoạn đầu, bệnh gần như không gây đau hay sốt mà chỉ gây sưng amidan kèm theo cảm giác nuốt vướng và nghẹn khi nuốt (thường chỉ ảnh hưởng đến 1 amidan). Nếu để kéo dài, amidan có thể bị đau khi nuốt, cơn đau lan dần lên tai. Một số trường hợp còn có thể gặp phải tình trạng khạc đờm có lẫn máu, cơ thể mệt mỏi, suy nhược và sụt cân.
6. Một số nguyên nhân khác
Ngoài những nguyên nhân kể trên, sưng amidan nhưng không đau, không sốt cũng có thể xảy ra do nguyên nhân sau:
- Do ảnh hưởng của các bệnh dị ứng: Amidan có thể bị kích thích và sưng viêm do các bệnh dị ứng (viêm xoang dị ứng, viêm mũi dị ứng, dị ứng thức ăn, dị ứng thuốc,…). Nếu xảy ra do dị ứng, amidan chỉ sưng to, không đi kèm với tình trạng sốt và đau nhức.
- Trào ngược dạ dày thực quản: Trào ngược dạ dày thực quản (GERD) là tình trạng dịch vị và thức ăn trào ngược lên vòm họng – đặc biệt là sau khi ăn và buổi tối khi ngủ. Tình trạng axit trào ngược lên vòm họng trong thời gian dài có thể kích thích phản ứng viêm của thành họng và amidan. Thực tế cho thấy, nhiều trường hợp bị viêm họng hạt và sưng amidan do GERD không được kiểm soát.
Sưng amidan nhưng không đau, không sốt là tình trạng khá phổ biến và có thể xảy ra do rất nhiều nguyên nhân khác nhau. Tuy nhiên, thông tin trên chỉ đề cập đến những nguyên nhân phổ biến nhất. Để được giải đáp cụ thể hơn, bạn đọc có thể liên hệ với nhân viên y tế.
Sưng amidan nhưng không sốt, không đau có tự khỏi không?
Có thể thấy, sưng amidan nhưng không sốt, không đau chủ yếu xảy ra do các bệnh lý mãn tính. Vì vậy, đa phần đều không thể tự khỏi nếu không can thiệp các phương pháp điều trị. Ngay khi nhận thấy các triệu chứng bất thường, bạn nên tìm gặp bác sĩ để được thăm khám và xử lý trong thời gian sớm nhất.
Trên thực tế, hầu hết các bệnh lý gây sưng amidan nhưng không gây đau hoặc sốt đều có đáp ứng tốt với điều trị và thuyên giảm chỉ trong thời gian ngắn. Tùy theo mức độ bệnh lý, bác sĩ có thể chỉ định các phương pháp bảo tồn hoặc can thiệp phẫu thuật.
Mặc dù không phổ biến nhưng cũng đã có trường hợp sưng amidan nhưng không đau, không sốt xảy ra do ung thư amidan. Nếu nghi ngờ mắc bệnh lý này (họng nghẹn vướng, ăn uống kém, cơ thể mệt mỏi không lý do, sụt cân,…), bạn nên chủ động tìm gặp bác sĩ để được thăm khám và tư vấn điều trị. Tránh tình trạng chủ quan khiến bệnh tiến triển dai dẳng và chuyển biến theo chiều hướng xấu.
Cách xử lý sưng amidan nhưng không đau, không sốt
Sưng amidan nhưng không đau, không sốt hoàn toàn không thể tự thuyên giảm. Do đó ngay khi phát hiện các dấu hiệu bất thường, bạn nên tìm gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị trong thời gian sớm nhất.
1. Thăm khám và điều trị y tế
Để chẩn đoán sưng amidan nhưng không đau, không sốt, bác sĩ sẽ tiến hành khai thác tiền sử gia đình, cá nhân và khám cổ họng trước khi chỉ định các kỹ thuật cận lâm sàng. Tùy theo tình trạng của từng bệnh nhân, bác sĩ có thể yêu cầu thực hiện một số kỹ thuật như:
- Nội soi cổ họng, thực quản
- Xét nghiệm máu
- Test dị ứng
- Lấy bệnh phẩm soi cấy để xác định chủng vi khuẩn gây bệnh
Sau khi có kết quả chẩn đoán, bác sĩ sẽ cân nhắc về nguyên nhân và mức độ bệnh lý để tư vấn phương án điều trị phù hợp. Lựa chọn ưu tiên luôn là sử dụng thuốc và các phương pháp bảo tồn khác. Trong trường hợp bệnh tái phát nhiều hoặc không có đáp ứng với điều trị nội khoa, phẫu thuật và các thủ thuật ngoại khoa mới được cân nhắc thực hiện.
2. Các biện pháp hỗ trợ
Bên cạnh các phương pháp điều trị, bạn cũng có thể cải thiện tình trạng sưng amidan bằng một số biện pháp tại nhà. Các biện pháp này giúp cải thiện tình trạng sưng amidan và giảm cảm giác nghẹn, vướng khi ăn uống.
Các biện pháp cải thiện tình trạng sưng amidan ngay tại nhà:
- Ngậm nước muối ấm: Nước muối ấm có tác dụng sát trùng, kháng khuẩn và tiêu viêm. Để giảm mức độ sưng amidan, bạn có thể ngậm nước muối từ 3 – 5 phút/ 2 – 3 lần/ ngày. Đây là biện pháp đơn giản nhưng có thể giảm sưng amidan cùng với một số triệu chứng đi kèm như hôi miệng, ứ đờm và nghẹn vướng ở cổ họng.
- Dùng thức ăn mềm: Để hạn chế cảm giác khó chịu và nghẹn khi ăn uống, bạn nên sử dụng các thức ăn mềm như cháo, súp, sinh tố, nước ép,… Tránh sử dụng các món ăn cứng, khô, chứa nhiều gia vị và dầu mỡ. Sử dụng các món ăn này khiến amidan bị kích thích quá mức, từ đó làm tăng mức độ sưng viêm và gây ra không ít khó khăn trong quá trình ăn uống, sinh hoạt.
- Uống nhiều nước: Khi bị sưng amidan, bạn nên bổ sung đủ 1.5 – 2 lít nước mỗi ngày. Thói quen này giúp cân bằng điện giải, làm dịu amidan bị kích thích quá mức và hỗ trợ làm loãng dịch tiết hô hấp. Qua đó giảm tình trạng nghẹn, vướng và khó chịu ở cổ họng. Ngoài nước lọc, bạn cũng có thể bổ sung nước ép rau củ và trái cây để cung cấp thêm vitamin, chất khoáng cho cơ thể.
Ngoài những mẹo đơn giản trên, bạn cũng nên thực hiện một số biện pháp chăm sóc như ngủ đủ giấc, ăn uống điều độ, vệ sinh tai mũi họng đúng cách, sử dụng máy tạo độ ẩm,… để giảm mức độ kích thích và sưng viêm amidan. Không chỉ giúp cải thiện triệu chứng, các biện pháp chăm sóc còn hỗ trợ nâng đỡ thể trạng và tăng mức độ đáp ứng đối với các phương pháp điều trị.
Phòng ngừa sưng amidan tái phát
Do cấu tạo đặc biệt nên amidan rất dễ bị sưng viêm và phù nề. Nếu không chủ động phòng ngừa, tình trạng sưng amidan có thể tái phát nhiều lần gây ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống.
Vì vậy sau khi điều trị, bạn nên phòng ngừa sưng amidan tái phát bằng một số biện pháp như:
- Đánh răng 2 – 3 lần/ ngày và súc miệng với nước muối thường xuyên để tránh virus, vi khuẩn trú ngụ trong amidan và khoang miệng.
- Điều trị dứt điểm các bệnh lý nha khoa như viêm nướu, sâu răng, viêm lợi trùm, viêm nha chu,… Các ổ viêm nhiễm ở răng và nướu không được kiểm soát có thể gây tổn thương amidan, thành họng và một số cơ quan hô hấp khác.
- Tích cực điều trị và xây dựng chế độ ăn uống, sinh hoạt phù hợp để kiểm soát bệnh trào ngược dạ dày thực quản. Ngoài sưng amidan, trào ngược kéo dài còn làm tăng nguy cơ bị viêm họng hạt, sâu răng và hàng loạt các bệnh hô hấp khác.
- Chủ động thăm khám và điều trị viêm amidan ngay khi triệu chứng mới bùng phát. Tránh tình trạng chủ quan hoặc tự ý dùng thuốc có thể gây ra hiện tượng kháng kháng sinh. Đây là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn trú ngụ lâu ngày gây viêm amidan mãn tính và sỏi amidan.
- Đeo khẩu trang khi đến những nơi đông người.
- Vệ sinh tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh để tránh đưa vi khuẩn vào cơ thể thông qua đường mũi, họng.
- Xây dựng lối sống khoa học và lành mạnh để cải thiện hệ miễn dịch. Đối với người có chức năng đề kháng kém, nên tăng cường bổ sung thực phẩm giàu Kẽm, vitamin C, protein và tập thể dục thường xuyên. Khi thể trạng được cải thiện, amidan và các cơ quan miễn dịch có thể tiêu diệt hoàn toàn virus và vi khuẩn gây hại.
- Không sử dụng rượu bia và hút thuốc lá – kể cả hít khói thuốc thụ động. Ngoài ra, bạn cũng nên hạn chế tiếp xúc với các yếu tố kích ứng và dị ứng như mạt bụi, nấm mốc, khói thuốc, phấn hoa, hóa chất, lông thú nuôi,…
- Khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/ lần để kịp thời phát hiện và điều trị sớm các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn.
Sưng amidan nhưng không đau không sốt là tình trạng khá phổ biến. Hy vọng qua bài viết, bạn đọc đã hiểu rõ về nguyên nhân, cách xử lý và phòng ngừa tình trạng này. Tuy nhiên để điều trị đạt hiệu quả cao, nên tìm gặp bác sĩ chuyên khoa Tai mũi họng. Tránh tình trạng tự ý dùng thuốc khi chưa tiến hành thăm khám và thực hiện các kỹ thuật chẩn đoán.
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!