Người bị nổi mề đay nên ăn và kiêng ăn gì nhanh khỏi?
Chế độ dinh dưỡng khoa học góp phần đẩy lùi triệu chứng và giảm nguy cơ mề đay phát triển mãn tính. Do đó, vấn đề Bị nổi mề đay nên ăn gì, kiêng gì là mối bận tâm hàng đầu của người bệnh.

Mày đay (mề đay) là bệnh da liễu phổ biến, ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi. Bệnh lý này điển hình bởi tình trạng phát ban, da nổi sẩn cục kèm theo ngứa ngáy và nóng rát (ít gặp). Mày đay thường bùng phát do cơ thể dị ứng với yếu tố nội sinh hoặc ngoại sinh. Bệnh có cơ chế tương đối phức tạp nhưng luôn có sự tham gia của chất trung gian gây dị ứng – histamin.
Nổi mày đay (mề đay) nên ăn gì?
Mề đay có thể được kiểm soát thông qua sử dụng thuốc và cách ly với dị nguyên. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể cải thiện bệnh lý này bằng cách điều chỉnh chế độ dinh dưỡng. Theo các chuyên gia, người bị nổi mày đay nên tăng cường thực phẩm có khả năng chống dị ứng và tăng cường sức đề kháng để cải thiện bệnh.
Dù không phải là biện pháp chính nhưng chế độ ăn khoa học phần nào có thể đẩy lùi tổn thương da và giảm ngứa ngáy đáng kể. Hơn nữa, ăn uống điều độ còn giúp nâng cao sức đề kháng và giảm mức độ nhạy cảm của cơ thể với các yếu tố dị ứng.
Dưới đây là một số loại thực phẩm tốt cho người bị mề đay mẩn ngứa:
1. Thực phẩm giàu vitamin C tốt cho người bị mề đay
Mề đay thực chất là phản ứng viêm của mao mạch trung bì. Hệ quả là da xuất hiện các mảng phát ban hoặc sẩn cục kèm theo ngứa ngáy, nóng rát và châm chích. Dù chỉ gây tổn thương ngoài da nhưng mày đay có liên quan đến phản ứng dị ứng – tức là phản ứng thái quá của hệ miễn dịch với dị nguyên.
Khi tiếp xúc với dị nguyên, hệ miễn dịch nhận định đây là yếu tố có hại cho sức khỏe và phản ứng lại bằng cách tăng sản xuất kháng nguyên (IgE). Nồng độ kháng nguyên tăng hoạt hóa các tế bào miễn dịch và làm giải phóng histamin vào trung bì da. Kết quả là gây nổi mề đay mẩn ngứa ồ ạt sau khi tiếp xúc với dị nguyên khoảng vài phút.

Thống kê cho thấy, mề đay có xu hướng bùng phát mạnh và xảy ra với tần suất thường xuyên hơn ở những người có hệ miễn dịch suy giảm. Do đó khi điều trị mày đay, nên tăng cường bổ sung các loại thực phẩm giàu vitamin C.
Vitamin C có khả năng tăng cường đề kháng bằng cách hỗ trợ chức năng của các tế bào miễn dịch (thực bào, bạch cầu trung tính, lympho T). Một số nghiên cứu còn cho thấy, bổ sung thực phẩm giàu loại vitamin này thường xuyên còn tăng sản xuất interferon (protein có vai trò điều biến miễn dịch). Bên cạnh đó, vitamin C còn là thành phần chống oxy hóa và có khả năng chống viêm tự nhiên.
Để mề đay nhanh chóng thuyên giảm, bệnh nhân nên tăng cường các loại thực phẩm giàu vitamin C như cam, quýt, bưởi, kiwi, chanh dây, dâu tây,… Ngoài ra, nên duy trì bổ sung các loại thực phẩm này ngay cả mề đay đã thuyên giảm hoàn toàn. Bổ sung vitamin C thường xuyên có thể hạn chế nguy cơ viêm nhiễm đường hô hấp và giảm tần suất mề đay bùng phát đáng kể.
2. Tăng cường thực phẩm chứa Omega 3
Ngoài vitamin C, nên tăng cường bổ sung nhóm thực phẩm giàu Omega 3 trong thời gian điều trị mề đay. Omega 3 được biết đến với tác dụng tăng cường sức khỏe tim, cải thiện thị lực và hoạt động của não bộ. Tuy nhiên bên cạnh những lợi ích kể trên, loại axit béo này còn có vai trò quan trọng đối với hệ miễn dịch.
Các nghiên cứu gần đây cho thấy, bổ sung Omega 3 vào chế độ ăn thường xuyên có thể điều hòa hoạt động miễn dịch và góp phần giảm nhẹ tiến triển của các bệnh tự miễn như lupus ban đỏ, viêm khớp dạng thấp, vảy nến và tiểu đường type 1. Thêm Omega 3 vào chế độ ăn có thể giảm mức độ mẫn cảm của hệ miễn dịch với các yếu tố nội sinh và ngoại sinh. Qua đó hỗ trợ điều trị mề đay mẩn ngứa và hạn chế tình trạng bệnh bùng phát, lan tỏa trên diện rộng.

Ngoài ra, Omega 3 và các axit béo không bão hòa khác còn có tác dụng cải thiện sức khỏe da. Cụ thể, Omega 3 giúp da duy trì độ mềm mại, mịn màng, giảm tình trạng viêm cấp – mãn tính và hạn chế nguy cơ viêm nhiễm bằng cách phục hồi hàng rào bảo vệ da. Với những lợi ích kể trên, bệnh nhân nên tăng cường bổ sung các loại thực phẩm giàu Omega 3 vào chế độ dinh dưỡng như cá hồi, quả bơ, dầu ô liu, hạt hạnh nhân, óc chó,…
3. Sữa chua và các loại thực phẩm giàu probiotic (lợi khuẩn)
Như đã biết, mề đay có thể bùng phát do dị ứng thức ăn hoặc do các hội chứng không dung nạp (thường gặp nhất là không dung nạp lactose). Nếu xảy ra do dị ứng thực phẩm, mề đay thường đi kèm với một số triệu chứng khác như đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn, đầy hơi,…

Trong trường hợp này, nên bổ sung sữa chua và các loại thực phẩm giàu probiotic (phô mai, sữa chua uống,…). Probiotic (lợi khuẩn) có vai trò tiêu hóa thức ăn, giải phóng các protein gây dị ứng tích tụ trong đường ruột. Khi protein được chuyển hóa thành năng lượng, phản ứng dị ứng sẽ thuyên giảm gần như hoàn toàn. Từ đó giúp giảm mề đay mẩn ngứa và hỗ trợ cải thiện các triệu chứng ở đường tiêu hóa.
Tuy nhiên, cần tránh dùng quá nhiều thực phẩm chứa probiotic. Lợi khuẩn tăng sinh quá mức làm tăng nhu động ruột, dẫn đến đau bụng và tiêu chảy. Để ổn định số lượng lợi khuẩn trong đường ruột, nên bổ sung thêm rau xanh, trái cây và các loại thực phẩm chứa chất xơ khác.
4. Các loại thực phẩm có tác dụng giải dị ứng
Thực phẩm gây dị ứng có thể làm bùng triệu chứng và khiến mề đay mẩn ngứa trở nên nghiêm trọng hơn. Tuy nhiên trên thực tế, một số loại thực phẩm được chứng minh có khả năng phòng chống và hỗ trợ giải dị ứng hiệu quả. Bổ sung các loại thực phẩm này có thể giảm nhẹ triệu chứng và rút ngắn thời gian điều trị mề đay đáng kể.
Một số loại thực phẩm đã được chứng minh có tác dụng phòng chống và hỗ trợ giảm dị ứng:
- Táo: Hoạt chất sinh học Quercetin trong táo có tác dụng giảm phóng thích histamin (chất trung gian dị ứng), ổn định màng tế bào và chống oxy hóa. Bên cạnh đó, các loại vitamin trong táo như vitamin E, C và A còn hỗ trợ tăng cường hệ miễn dịch và giảm mức độ nhạy cảm của cơ thể với các yếu tố dị ứng.
- Quả dứa: Quả dứa chứa vitamin C và Bromelain có tác dụng chống dị ứng. Trong đó, vitamin C giúp nâng cao đề kháng và giảm nhẹ triệu chứng của mề đay mẩn ngứa. Bromelain là hoạt chất tự nhiên có tác dụng giảm sản xuất prostaglandin – chất trung gian gây viêm. Bên cạnh đó, dứa cũng chứa một lượng Quercetin nhất định có vai trò chống viêm, giảm ngứa do dị ứng và nâng cao sức đề kháng.
- Củ nghệ: Hoạt chất curcumin trong nghệ được biết đến là chất chống oxy hóa, kháng viêm và sát khuẩn. Ngoài ra, hoạt chất này còn có khả năng ức chế leukotriene – một trong những thành phần gây viêm trong cơ chế bệnh sinh của mề đay mẩn ngứa. Do đó trong thời gian điều trị, bạn nên bổ sung nghệ vào các món ăn hoặc uống trà nghệ mật ong, sữa nghệ,… để cải thiện các triệu chứng của bệnh.
- Dầu hạt hướng dương: Ngoài axit béo dồi dào, dầu hạt hướng dương còn chứa selen – một loại khoáng chất có tác dụng tăng hoạt tính của các chất chống oxy hóa. Kết quả là kiểm soát hoạt động của các tế bào miễn dịch và giảm ngứa, tiêu viêm, cải thiện tình trạng nổi phát ban,…
Trong dân gian lưu truyền nhiều loại thảo dược có khả năng chống dị ứng. Tuy nhiên, đa phần các thảo dược này chưa được chứng minh về hiệu quả trên cơ sở khoa học. Vì vậy, bạn không nên tự ý áp dụng khi chưa tham khảo ý kiến bác sĩ.
5. Uống đủ nước
Cung cấp đủ nước có thể giảm mức độ viêm, nóng rát và cải thiện tình trạng ngứa ngáy da đáng kể. Do đó, nên chú ý uống đủ nước trong thời gian điều trị mề đay mẩn ngứa. Nếu mề đay xảy ra do dị ứng thức ăn đi kèm nôn mửa và tiêu chảy, nên bổ sung nước khoáng và nước ép từ rau củ, trái cây tươi để cân bằng điện giải, giảm mệt mỏi và nâng cao sức đề kháng. Bổ sung đủ nước và khoáng chất giúp cơ thể nhanh phục hồi, qua đó giảm nhẹ triệu chứng của mề đay và ngăn bệnh tiến triển mãn tính.
Ngoài những loại thực phẩm kể trên, bạn nên bổ sung thêm các loại thực phẩm lành mạnh khác để hỗ trợ quá trình điều trị. Bên cạnh đó, cần chú ý sử dụng thuốc và kiêng cữ một số vấn đề, tránh để mề đay bùng phát mạnh và gây ngứa dữ dội.
Bị nổi mề đay nên kiêng ăn gì để bệnh nhanh khỏi?
Bên cạnh các loại thực phẩm nên bổ sung, bạn cũng cần hạn chế thực phẩm gây dị ứng và một số loại thực phẩm làm tăng mức độ viêm, ngứa ngáy da. Sử dụng các loại thực phẩm này có thể khiến mề đay lan rộng, gây ngứa dữ dội và tăng nguy cơ bệnh phát triển mãn tính.
Do đó để hỗ trợ quá trình điều trị, nên hạn chế dùng các loại thực phẩm và đồ uống sau:
1. Thực phẩm, đồ uống dị ứng
Thực phẩm, đồ uống dị ứng là nguyên nhân làm bùng phát mề đay mẩn ngứa. Ngoài ra, mề đay có thể lan tỏa rộng và gây ngứa nhiều hơn nếu tiếp tục sử dụng các loại thực phẩm này. Vì vậy để kiểm soát bệnh, nên hạn chế dùng đồ uống và thực phẩm gây dị ứng.
Ngoài ra, cần tránh các loại thực phẩm có nguy cơ dị ứng cao như:
- Lòng trắng trứng
- Hải sản
- Mè (vừng)
- Đậu phộng
- Sữa bò
- Đồ uống chứa cồn
Mặc dù không phổ biến nhưng đã có trường hợp phù mạch và sốc phản vệ do dị ứng thực phẩm. Do đó ngay cả khi mề đay thuyên giảm, nên tránh dùng thực phẩm và đồ uống có tiền sử dị ứng để phòng ngừa mề đay tái phát.
2. Món ăn chứa nhiều đường và muối
Trong thời gian điều trị mề đay, nên hạn chế các món ăn, đồ uống chứa nhiều đường và muối. Ít ai biết rằng, muối làm tăng natri trong cơ thể, từ đó kích thích hệ thần kinh ngoại biên và khiến mề đay mẩn ngứa trở nên nghiêm trọng hơn. Trong khi đó, ăn nhiều đường làm tăng mức độ viêm của da khiến mề đay lan rộng, ngứa ngáy nhiều và có nguy cơ phát triển mãn tính.

Ngoài ra, dùng quá nhiều đường và muối còn làm tăng áp lực lên cơ quan tiêu hóa, bài tiết và ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của hệ miễn dịch. Những tác động này khiến vùng da nổi mề đay mẩn ngứa chậm lành, ngứa nhiều và có khả năng tái phát cao.
3. Thực phẩm chứa quá nhiều đạm
Đạm (protein) là thành phần chủ yếu gây dị ứng. Đây cũng là lý do vì sao cơ thể thường bị dị ứng với thịt, hải sản, lòng trắng trứng và các loại hạt nhưng rất hiếm khi dị ứng rau xanh và các loại trái cây. Protein là thành phần dinh dưỡng thiết yếu có vai trò quan trọng đối với sức khỏe. Tuy nhiên, đây lại là thành phần rất khó chuyển hóa và dễ gây dị ứng.

Trong thời gian bị mề đay, cơ thể thường nhạy cảm hơn với các chất dị ứng. Do đó, dung nạp các loại thực phẩm chứa quá nhiều đạm trong thời gian này có thể khiến mề đay lan rộng, phù nề và gây ngứa ngáy dữ dội.
4. Món ăn cay nóng và chứa nhiều chất béo bão hòa
Ngoài ra, bạn cũng nên hạn chế dùng món ăn chứa nhiều ớt, tiêu, mù tạt và chất béo bão hòa. Các món ăn này có thể gây ra tình trạng nóng trong và làm mức độ viêm, ngứa ngáy do mề đay gây ra. Một số nghiên cứu sơ bộ cho thấy, chất béo bão hòa làm tăng giải phóng các yếu tố tiền viêm vào da và khiến triệu chứng của các bệnh da liễu trở nên nghiêm trọng hơn.

Bên cạnh đó, dùng thức ăn cay nóng còn làm tăng thân nhiệt và kích thích da tăng tiết mồ hôi. Mồ hôi cộng với nhiệt độ cao là các tác nhân vật lý có khả năng bùng phát mày đay. Với những người đã bị nổi mề đay, các tác nhân này có thể khiến tổn thương da lan rộng, nổi nhiều mảng/ sẩn cục và gây ngứa dữ dội.
5. Cà phê và đồ uống chứa cồn
Caffeine và cồn được xem là yếu tố bùng phát hoặc làm nghiêm trọng triệu chứng của mề đay mẩn ngứa. Do đó trong thời gian điều trị bệnh lý này, cần kiêng cữ rượu bia, đồ uống chứa cồn và cà phê (nếu dị ứng caffeine).

Sử dụng đồ uống chứa cồn làm tăng mức độ viêm của da, gây ngứa nhiều và khiến mề đay phát triển mãn tính. Để triệu chứng của bệnh thuyên giảm nhanh, nên tránh sử dụng rượu bia và các đồ uống chứa cồn trong thời gian điều trị – nhất là với mề đay mãn tính.
Bài viết đã tổng hợp các thông tin giải đáp “Nổi mề đay nên ăn và không nên ăn gì?” để hỗ trợ điều trị?”. Hy vọng qua bài viết, bạn có thể xây dựng thực đơn ăn uống phù hợp và khoa học. Bên cạnh đó, cần chú ý cách ly với dị nguyên, tránh chà xát, gãi cào da và sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!